CTCP Nagakawa Việt Nam (NAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Theo đó, doanh thu trong quý I/2023 của NAG đạt hơn 533 tỷ đồng. Đây là quý có doanh thu cao nhất và lợi nhuận sau thuế cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của Nagakawa.

Hết quý I/2023, hàng tồn kho của NAG giảm nhẹ, từ 690 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 671 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 14 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm lên gần 26 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 393 tỷ đồng lên 403 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt gần 9,7 tỷ đồng. NAG vẫn duy trì đà tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.  Kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn một phần tư kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2023.


(Biểu đồ: Ngọc Cương)

Năm 2022, Nagakawa đạt 1.909 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng 29,50% so với năm 2021, đạt 106,1% so với kế hoạch đặt ra. Mặt hàng chủ lực là điều hòa không khí tiếp tục được đầu tư phát triển sản phẩm, nhiều model mới được ra đời và đây là mặt hàng chiếm 70% doanh thu của công ty. Ngoài ra, công ty còn có thêm mảng kinh doanh thiết bị nhà bếp.

Năm 2023, Nagakawa lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 2.016 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến 35 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện năm 2021. Công ty lên kế hoạch chia cổ tức từ 5-10%.

Nagakawa Việt Nam tiền thân là công ty liên doanh, thành lập năm 2002. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện lạnh và thiết bị nhà bếp.

Theo báo cáo của Hòa Phát (HPG), trong quý I/2023, sản phẩm điều hòa được đón nhận tích cực tại các siêu thị lớn trên cả nước. Các dòng máy lọc nước, máy làm mát không khí Hòa Phát cũng đang được đẩy mạnh ở nhiều kênh phân phối khác nhau. Tập đoàn đã hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất tủ lạnh, tủ đông công suất 375.000 sản phẩm/năm tại KCN Phú Mỹ II mở rộng. 

Theo Casper Việt Nam, trong tháng 4, tổng sản phẩm điều hòa bán ra trên toàn quốc tăng trưởng vượt bậc, lên tới 394.000 chiếc, gấp 2,5 lần so với tháng 3. Doanh thu bán hàng điều hòa lên tới 3.730 tỷ đồng.

Mặc dù mới bắt đầu vào mùa, song số lượng bán ra của tháng 4 năm nay đã tương đương với tháng 6/2022 - mùa bán hàng cao điểm của năm ngoái. Phân khúc dưới 10 triệu đồng chiếm ưu thế. So với cùng kỳ năm ngoái, 4 tháng đầu năm nay, thị phần của Casper Việt Nam tăng 3%, từ 13,2% lên 16,2%.

Casper là thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan, có mặt ở Việt Nam từ năm 2016. Casper dùng chiến lược giá rẻ, thời gian bảo hành dài, áp dụng nhiều khuyến mãi để nhắm tới phân khúc khách hàng bình dân.

Doanh nghiệp kinh doanh mảng điều hoà lãi lớn. (Ảnh: Duy Anh)

Không chỉ sản xuất, doanh nghiệp bán điều hòa cũng lãi lớn. Theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 4 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), máy lạnh mang về nguồn doanh thu lớn do bắt đầu vào cao điểm nắng nóng.

Theo MWG, hầu hết các sản phẩm tăng trưởng doanh thu 2 chữ số so với tháng 3. Trong đó, mặt hàng máy lạnh tăng trưởng 3 chữ số do nhu cầu cao đột biến mùa nắng nóng.

Luỹ kế 4 tháng năm 2023, tổng doanh thu của chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh đạt 27.500 tỷ đồng. Riêng tháng 4, tổng doanh thu 2 chuỗi này đạt 7.300 tỷ đồng, tăng 30% so với tháng 3 nhờ doanh số đáng kể của sản phẩm máy lạnh, gia dụng và điện thoại.

Trước đó, CTCP Cơ điện lạnh (REE) do bà Nguyễn Thị Mai Thanh làm Chủ tịch cũng báo lãi lớn trong quý I/2023. REE ghi nhận doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ lên 2.372 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn đến từ mảng điện lạnh (điều hòa), điện và nước. Lợi nhuận sau thuế tăng 10% lên mức kỷ lục gần 1.055 tỷ đồng.

Trong năm 2022, REE đã ghi nhận lợi nhuận ròng cao lịch sử, tăng 41% so với năm trước đó lên 2.690 tỷ đồng. Năm 2023, REE đặt mục tiêu doanh thu 10.962 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng mục tiêu đạt 2.700 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với năm 2022.

Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường GfK, năm 2022, doanh thu điều hòa tại Việt Nam đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Năm nay, thị trường cũng được dự đoán có thể tăng 15 - 20% so với năm 2022.

Đánh giá về triển vọng thị trường, theo Nagakawa Việt Nam, việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt cho tất cả các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện lạnh và hàng gia dụng.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý khoa học sẽ là những đối thủ cạnh tranh khốc liệt đối với các doanh nghiệp trong nước.

Hiện, trên thị trường phân phối các sản phẩm điện lạnh và hàng gia dụng có rất nhiều những doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang hoạt động và cạnh tranh thị phần trực tiếp như Gree, Funiki, Sunhouse, Asanzo, Kangaroo, Samsung, Panasonic, LG, Hitachi, Sharp, Daikin, Mitsubishi, Casper,....