Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn TP Hà Nội liên tục tăng cao. Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng tiêu thụ ngày bình quân tháng 5 (tình đến 18/5) là 68.172 triệu kWh, tăng xấp xỉ 10,7% so với tháng 4 (58.336 triệu kWh).

Công suất đỉnh (Pmax) được thiết lập lúc 22h ngày 18/5/2023 là 4.546 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Cung ứng điện căng thẳng

Theo EVN Hà Nội, đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Đặc biệt, vào những thời điểm cao điểm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ quá tải cục bộ gây mất điện.

Phát biểu tại toạ đàm “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả - Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng” ngày 20/5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện nay, diễn biến thị trường năng lượng thế giới rất phức tạp, giá năng lượng bị đẩy lên mức rất cao.

Vì thế, các giải pháp sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) đóng vai trò rất quan trọng.

Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, ngay từ đầu mùa khô 2023, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và chương trình hành động để thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ tại địa phương và các khách hàng sử dụng điện lớn.

Ông Vũ cho rằng, trong việc sử dụng năng lượng TK&HQ rất cần sự hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người dân.

Cung cấp điện bị ảnh hưởng nặng do nắng nóng. Ảnh: Hoàng Hà

Theo ông Vũ, Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính kiến nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 với các biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn… để giúp cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, miền Bắc có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn nhiều so với các miền khác, nên ngay từ đầu đặt ra bài toán đầu tư phát triển nguồn điện.

Thực tế, công suất đỉnh của miền Bắc tăng nhanh trong những năm qua, vì thế, năm 2023, thành phố đặt mục tiêu nâng cao tuyên truyền vận động tiết kiệm điện so với những năm trước đây. 

Cụ thể, đạt mục tiêu tiết kiệm 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên toàn địa bàn thành phố; phấn đấu đạt 65% doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (theo danh sách công bố hàng năm) có cam kết giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện; 75% doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyển đổi dần sang công nghệ tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, thay đổi thói quen của người dân và doanh nghiệp không thể trong “ngày một, ngày hai”. Do đó, ngành giáo dục cần sớm đưa vào môn “tiết kiệm năng lượng” ngay từ cấp 1, để tạo thành ý thức lâu dài trong mỗi người dân.

Còn phía doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, chúng ta là nước đang phát triển, các máy móc đầu tư từ trước phần lớn đã cũ kỹ, lạc hậu, tiêu thụ điện lớn, do đó, để họ thay đổi được là cả quá trình phức tạp và tốn kém. Bởi vậy, Nhà nước cần có cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ trong việc chuyển đổi.