Những ngày thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường dễ tạo điều kiện cho virus lở mồm long móng sinh sôi, phát triển và gây bệnh trên đàn gia súc. Đây là bệnh nguy hiểm có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch, gây thiệt hại nặng cho bà con.
Bệnh Lở mồm long móng gia súc là một bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra trên động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu,… Bệnh có tính chất lây lan rất nhanh, mạnh và xa là đại dịch lưu hành gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Khi con vật mắc bệnh thể độc lực cao tỷ lệ chết ở gia súc bệnh lên đến 50%, đặc biệt đối với lợn con tỷ lệ chết có thể đến 100%.
Chăn nuôi an toàn sinh học sẽ giúp giảm nguy cơ dịch bệnh. |
Nguyên nhân gây bệnh lở mồm long móng là do một loại virus có hướng thượng bì gây ra. Hiện nay có 7 type virus là A, O, C, SAT1, SAT2, SAT3 và Asia1 gây bệnh. Ở Việt Nam đã phát hiện bệnh gây ra bởi 3 type A, O và Asia1. Virus thường xuất hiện trong mụn, dịch lâm ba, máu, nội tạng và các chất thải, chất bài tiết của con vật bị bệnh.
Triệu chứng lâm sàng:
Thời gian ủ bệnh từ 3 – 5 ngày, con vật sốt cao 40 – 410C, bỏ ăn, ủ rũ, đứng lên, nằm xuống khó khăn. Hình thành mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi, vành móng, kẽ móng chân và đầu vú. Khi các mụn nước vỡ ra tạo thành các vết loét ở miệng, vành móng, bệnh nặng có thể long móng và làm cho con vật không đi lại được, đối với gia súc non tỷ lệ chết rất cao do virus làm hoại tử cơ tim và con vật không bú được do mụn loét ở miệng, lợi, lưỡi.
Đối với trâu, bò khi bị bệnh con vật chảy nhiều nước bọt lúc đầu trong, lỏng, sau đục tạo thành sợi (như bọt bia), con vật kém ăn hoặc bỏ ăn.
Sau khi phát bệnh từ 10 đến 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng, nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật từ 3-4 tuần (đối với lợn), 4 tháng (đối với dê), 9 tháng đối với cừu, 2-3 năm (đối với trâu, bò) và tiếp tục thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Đường truyền lây:
- Lây trực tiếp: Gia súc khỏe tiếp xúc trực tiếp với gia súc mắc bệnh lở mồm long móng và các chất bài tiết của gia súc mắc bệnh hoặc gia súc mang mầm bệnh lở mồm long móng có chứa virus như: phân, nước tiểu, nước bọt, sữa...
- Lây gián tiếp: Thông qua vận chuyển, buôn bán gia súc từ vùng đang có dịch sang vùng chưa có dịch (truyền qua dụng cụ chăn nuôi, bảo hộ lao động, phương tiện vận chuyển, …) có chứa mầm bệnh.
Phòng và trị bệnh
Đây là bệnh bắt buộc phải công bố dịch. Đối với vùng chưa bị dịch, phải thực hiện tốt công tác kiểm dịch xuất nhập thú, công tác vệ sinh phòng bệnh định kỳ. Có biện pháp cách ly theo dõi những thú đến từ nơi khác từ 20 – 40 ngày. Tuyệt đối không nhập gia súc từ nguồn bị nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh lở mồm long móng.
Khi dịch bệnh xảy ra phải báo cáo lên thú y cấp trên để có biện pháp thích hợp, khoanh vùng dịch, ngăn chặn bệnh lây lan. Không mua bán vận chuyển gia súc bệnh, hạn chế ra vào nơi có bệnh (vùng dịch). Sát trùng kỹ dụng cụ chăn nuôi, thú y. Xác chết, phân rác đem đốt rồi chôn. Vệ sinh tiêu độc kỹ chuồng nuôi bằng: formol 2%, nước vôi 20% hoặc Navetkon-S, dung dịch Benkocid chuồng trại.
Điều trị: Không có thuốc chữa bệnh đặc hiệu. Công tác hộ lý rất quan trọng như cải thiện điều kiện nuôi dưỡng, nhốt heo ở chuồng khô ráo, cho ăn thức ăn mềm. Xử lý mụn loét bằng thuốc sát trùng nhẹ như dấm chua (axít axêtic), axít boric, axít lactic, phèn chua 2%, thuốc tím 1%, xanh methylen 1% hoặc nước quả chua như chanh, khế. Có thể dùng kháng sinh điều trị để chống phụ nhiễm.
Phòng bệnh bằng vắc-xin: Tiêm chủng vắc-xin thường được áp dụng ở các vùng có dịch lưu hành. Các loại vắc-xin lở mồm long móng vô hoạt đơn giá hoặc đa giá do các công ty: Merial, Intervet, Pfizer và Rosagrobioprom – ROAO của liên bang Nga hiện đang được sử dụng ở Việt Nam. Vắc-xin bao gồm các loại: đơn giá týp O, nhị giá týp O+A và tam giá týp O+A+Asia1. Quy trình tiêm phòng thường được thực hiện như sau: Đối với heo con không có kháng thể lở mồm long móng hoặc từ mẹ không được tiêm phòng, tiêm phòng lần đầu vào lúc 2 tuần tuổi trở lên. Nếu thời gian nuôi thú hơn 6 tháng, tiêm 2 mũi cách nhau 4 -5 tuần. Với heo có kháng thể lở mồm long móng hoặc từ mẹ đã được tiêm vắc-xin lở mồm long móng, tiêm phòng mũi đầu vào lúc 2,5 tháng tuổi. Trong các vùng có nguy cơ nhiễm cao, tiêm toàn đàn vào lúc 2 tuần tuổi với heo từ mẹ chưa tiêm vắc-xin và 2 tháng với heo con từ mẹ đã được tiêm vắc-xin và nhắc lại sau 4 -5 tuần. Tái chủng 6 tháng một lần.
Bích Hạnh