Lời tòa soạn: Sau gần hai tháng những trao đổi xoay quanh câu chuyện "sách giáo khoa sửa đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám" đã lắng lại, VietNamNet nhận được bài viết của GS Nguyễn Ngọc Lanh với tựa đề "Tấm phải đóng trọn vẹn vai trò lịch sử được trao".

Theo phân tích của GS, việc sửa lại chuyện Tấm Cám, nhất là đoạn kết, cũng giản đơn như  thay hai con voi ở đền Hai Bà Trưng bằng… 2 phi cơ phản lực. Chỉ cần có ai đó “dám nghĩ, dám làm” là xong.

Theo GS Nguyễn Ngọc Lanh, việc sửa không khó, kể  cả viết lại truyện; điều quan trọng hơn là "triết lý giáo dục nào": Muốn đào tạo con người “gọi dạ, bảo vâng”, ta có 2 cách: hoặc là sửa di sản để phục vụ một ý đồ (gọi là) tốt, hoặc là loại bỏ nó khỏi sách giáo khoa. Ngược lại, muốn tạo ra những con người có óc nhận xét độc lập thì cứ cho họ phê phán Tấm Cám.

Nhận thấy đây là một thảo luận hữu ích trong số nhiều ý kiến của bạn đọc gửi tới diễn đàn giáo dục, VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Ngọc Lanh.



Cốt truyện và cái kết đã từ lâu định hình

Đương nhiên, có nhiều dị bản nếu cổ tích chỉ được lưu lại bằng truyền khẩu. Nhưng, cũng đương nhiên nốt, một chuyện quá phổ biến, lại được sàng lọc qua nhiều thế kỷ - như Tấm Cám - ắt cốt chuyện và nhất là phần kết thúc phải tiến tới định hình. Nói khác, sự dị biệt sẽ chỉ là các chi tiết. Khi có chữ để ghi lại câu chuyện thì sự định hình lại càng cao.

Một ví dụ. Ngày nay, ai cũng nói “đẩy xe”, chớ xa xưa có những địa phương dùng “đủn xe” hoặc “đẩn xe”. Nhưng khi “đẩy” đã vào sách thì hai từ kia bị quên lãng. Ví dụ khác. Bài thơ Vào hè (sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng năm 1940) với câu đầu là "Ai xui con cuốc gọi vào hè" và câu cuối là "Đàn ta, ta gảy khúc nam nghe". Chú thích cuối bài: có thể dùng khảy (đàn) thay gảy (đàn). Được chính thức ghi vào sách, rồi nhảy cả vào từ điển, từ gảy tồn tại vĩnh viễn, đẩy từ khảy về quá khứ.

Với truyện Tấm Cám cũng vậy. Chữ Hán và chữ Nôm có từ lâu, nhưng nay chưa tìm được bản ghi truyện Tấm Cám. Liệu có phải do… nho sĩ thông thái, học cao, thì nghĩ rằng truyện không xứng đáng được ghi bằng chữ thánh hiền; còn “ông đồ làng” lại không đủ chữ để làm việc đó?

Tạm coi đây là cách dễ chấp nhận để giải thích vì sao tới nay chưa tìm được văn bản cổ mà chỉ có vài ba bản chữ quốc ngữ (nghĩa là rất muộn), nhưng sự sai biệt giữa chúng vẫn là không đáng kể. Hồi đó, chỉ vài phần trăm dân ta biết chữ quốc ngữ, do vậy số người tiếp cận văn bản càng hiếm. Vậy mà, khắp thôn ngõ, những người mù chữ cứ vanh vách kể cho nhau nghe Tấm Cám với sự thống nhất rất cao về cốt truyện.  

Hai nguyên nhân


Có ít nhất hai nguyên nhân khiến phần cốt lõi Tấm Cám khó mà bị chỉnh sửa tới mức làm thay đổi một nhãn quan của toàn xã hội.

Đó là triết lý và tâm lý từ ngàn năm của dân ta (tiểu nông, phong kiến, đạo Phật) đã đòi hỏi câu chuyện phải diễn biến và kết thúc một cách phù hợp. Tiếp nữa, do quá tâm đắc, người xưa kịp sáng tác những câu thơ đơn giản, dễ nhớ (gọi là “văn vần” thì đúng hơn) kèm theo từng diễn biến của câu chuyện để lời kể thêm hấp dẫn, nhưng đồng thời có tác dụng ngăn cản mọi ý đồ thay đổi cốt truyện.

Muốn Tấm đi  thả trâu thật xa, mẹ-con Cám bèn… ứng khẩu thơ: Có thả thì thả đồng xa; chớ thả đồng nhà, làng bắt mất trâu. Tấm gọi cá bống cũng bằng thơ: Bống bống, bang bang; mày ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta; chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người… Với trí tưởng tượng ít bay bổng, người ta nghĩ cung vua có bờ rào - như ở vườn rau. Tấm đã dùng thơ để đe Cám về nguy cơ rách áo nếu phơi trên bờ rào.

- Có phơi thì phơi bằng sào; chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao… hoặc

- Có  phơi thì phơi cành cao… vân vân.

Té ra, hoàng hậu tự  tay giặt và phơi áo cho vua. Khi về quê giỗ cha cũng… trèo cau như ai (!). Và sau này, bà cũng tự xử án và thi hành án.

Lời thơ có thể  thay đổi, nhưng ý của nó thì không – vì một nhiệm vụ mà nó được giao là định hình các tình huống để ấn định diễn biến và kết thúc câu chuyện.

Ví dụ, câu thơ  ở đoạn kết (lời con quạ) đã có mặt trong mọi lời kể và mọi dị bản:

- Ngon gì  mà ngon, mẹ ăn thịt con, có  còn (cho) xin (một) miếng…

- Ngon thật là  ngon, mẹ ăn thịt con, có  còn xin miếng…

- Ngỏn ngòn ngon - Ăn thịt con - Còn xin miếng…


Rõ ràng, đoạn thơ trên là cái chốt hãm, khiến cách kết thúc thành bất biến.    

Sửa lại phần kết: chuyện nhỏ. Viết lại truyện: chuyện không lớn

Tấm Cám là chứng cứ lịch sử, trung thành nói lên tâm thức của một thời. Sửa chứng cứ chưa bao giờ được xem là xuất phát từ sự trung thực, dù biện minh bằng “ý đồ tốt”.  

Sửa không khó, kể  cả viết lại truyện. Sợ gì cơ chứ? Đã có ý kiến: Truyện sửa hôm nay sẽ thành cổ tích của mai sau. Thế thì, nếu mở cuộc thi, có thể tin rằng sẽ có hàng trăm bản thảo. Giải thưởng chỉ là phụ, nhưng sức hấp dẫn ghê gớm ở chỗ nhiều người hy vọng truyện của mình trở thành “cổ tích” cho hậu thế. Nhưng, khốn nỗi, cổ tích không thể có tác giả, do vậy thời đại sản sinh cổ tích đã qua lâu rồi.

Còn lại, việc chứng minh tính chính danh mới khó. Ai, lấy tư cách gì, để mở cuộc thi (?), để viết lại truyện (?) và để lập hội đồng xét giải (?). Chả lẽ chỉ cần nhân danh cái gì đó rất cao cả… là dám làm tuốt? Có người bảo, thời nay “nhân danh” đã thành một bệnh.

Sửa lại chuyện Tấm Cám, nhất là đoạn kết, cũng giản đơn như  thay hai con voi ở đền Hai Bà Trưng bằng… 2 phi cơ phản lực. Chỉ cần có ai đó “dám nghĩ, dám làm” là xong.    

Trừng trị  ở xã hội tiểu nông phong kiến


Hình phạt hết sức  nghiệt ngã với ai dám chống vua: nào lăng trì, tuốt nứa, nào ngũ mã phân thây, tùng xẻo, tru di… Hành hạ xác chết cũng là một cách.

Trong đầu người nông dân phải có thánh và vua. Từ cái nền tiểu nông chỉ có thể mọc lên chế độ phong kiến. Nông dân mong có vua hiền (như Thạch Sanh) chứ không thể nghĩ ra “chế độ mới”.

Do vậy, những hình phạt tàn bạo là không xa lạ, đến mức được coi là đương nhiên. Mặt khác, quần chúng bị áp bức luôn luôn ở thế yếu; do vậy đã hình thành tâm lý nuôi hận. Nó giúp họ thêm can đảm; đồng thời cũng tạo ra ý chí trả thù tàn khốc. Cũng do lép vế, người ta đành chấp nhận cách thỏa mãn lòng thù hận bằng cuộc trả thù tưởng tượng – qua những chuyện cổ tích hư cấu. Tấm Cám, Thạch Sanh là những ví dụ.

Nhân vật Tấm hành động đúng như tác giả câu chuyện đòi hỏi

Không có chi tiết nào trong truyện cho thấy Tấm nhu mì, nhân hậu hay khoan dung; mà là cam chịu, nhẫn nhục đồng thời cũng ghen tực, nuốt hận. Và nung nấu trả hận.

Hàng triệu tác giả đã nhiều đời gọt rũa để nhân vật Tấm hành động đúng như tâm thức chung của toàn xã hội, gồm cả lòng tin chắc nịch vào luật nhân quả. Và Tấm phải thực hiện vai trò sao cho cả triệu người thỏa mãn. Thời nay, làm sao hiểu nổi thái độ hể hả của người xưa nghe chuyện đến cái đoạn chính tay Tấm trả hận làm thỏa lòng thiên hạ?.

Có người muốn vua đứng ra xử tội mẹ-con Cám – để tránh tiếng ác cho Tấm. Đó là đem suy nghĩ thời nay gán cho thời xưa, rất phổ biến từ sau 1945. Khốn nỗi, trong truyện này, vua chỉ là biểu tượng hạnh phúc chớ không cần làm công việc của vua. Hơn nữa, cái vị vua ngây ngô này (bị thay vợ mà không thèm nhận ra) làm sao đủ năng lực xử án?

Nói đâu xa, dân ta ở thế yếu khi thực dân Pháp đem binh hùng tướng mạnh xâm lược nước ta lần thứ hai (1946). Hận mất nước chưa phai, dân ta dám chống lại là nhờ uất ức và căm thù. Nhiều câu hát hợp lòng người thời đó có sức động viên thật vĩ đại (Từ bao lâu ta nuốt căm hờn và Thề phanh thây uống máu quân thù: lời Quốc Ca).

Triết lý giáo dục: cái ấy mới quan trọng

Muốn đào tạo con người “gọi dạ, bảo vâng”, ta có 2 cách: hoặc là sửa di sản để phục vụ một ý đồ (gọi là) tốt, hoặc là loại bỏ nó khỏi sách giáo khoa. Ngược lại, muốn tạo ra những con người có óc nhận xét độc lập thì cứ cho họ phê phán Tấm Cám.

Nói rằng, chọn cách nào là tùy bản lĩnh ông thầy – cũng đúng. Nhưng rộng hơn, là giáo dục nước ta đang bị loại triết lý nào chi phối.

  • Nguyễn Ngọc Lanh (Hà Nội)