- Tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính sáng nay (10/4), Thường vụ QH nghiêng về phương án trao quyền cho HĐND các thành phố trong việc quyết định mức phạt vi phạm hành chính trên địa bàn.
Phạt cao có lo "thỏa thuận", "chặt chém"?
Các thành viên Thường vụ QH thống nhất với khung phạt là từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đồng tình rằng với cùng một vi phạm, nếu do tổ chức thực hiện thì tính chất nguy hiểm và hậu quả sẽ lớn hơn so với cá nhân thực hiện.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ quan điểm này nhưng băn khoăn mức 2 tỷ đồng đối với vi phạm của tổ chức hoặc có tổ chức liệu có đủ tính răn đe: "Đối với nhiều tổ chức lớn, phạt 2 tỷ đồng không thấm gì, họ nộp xong lại tiếp tục vi phạm".
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý mức phạt hành chính tối đa không được cao hơn mức phạt tối thiểu quy định trong Bộ luật Hình sự để đảm bảo tính thống nhất của các văn bản luật. "Ngoài phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả, số tiền có thể rất lớn", ông Lưu nói.
Vi phạm giao thông ở thành phố lớn bị phạt cao hơn, mức phạt khác nhau ở từng thành phố. Ảnh minh họa |
Các ủy viên Thường vụ cũng thống nhất việc phạt cao hơn các vi phạm hành chính ở các đô thị lớn (5 thành phố trực thuộc trung ương), nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung.
Ông Phùng Quốc Hiển chỉ băn khoăn liệu mức phạt càng cao có càng làm gia tăng tình trạng "thỏa thuận", "chặt chém" vốn gây bức xúc lâu nay. Lo ngại "mức phạt cao nhưng tiền phạt lại không vào ngân sách", ông Hiển đề nghị quy định rõ đã phát hiện vi phạm (giao thông, trốn thuế...) thì phải nộp tiền phạt, không được bỏ qua, tình tiết nào được bỏ qua cũng phải quy định cụ thể.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, tính khả thi của việc xử phạt không nằm ở mức cao hay thấp mà ở tính nghiêm minh và kỷ cương trong thực thi pháp luật.
Để dân tham gia quyết mức phạt
Về thẩm quyền quy định mức phạt cao hơn ở các thành phố lớn, vẫn còn hai phương án cần cân nhắc: giao Chính phủ quy định mức phạt trong từng lĩnh vực, hoặc giao HĐND thành phố quy định cho phù hợp đặc thù từng nơi.
Phương án thứ hai được nhiều ý kiến ủng hộ do phù hợp với xu hướng xây dựng các đô thị lớn có tính tự quản cao.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đã coi HĐND là cơ quan quyền lực địa phương thì nên giao HĐND thành phố xem xét quyết định mức phạt, cũng là để dân tham gia quyết định phù hợp với tình hình cụ thể địa phương.
"Chính phủ sẽ quy định mức phạt cụ thể cho từng vi phạm, mỗi thành phố căn cứ vào đó bàn với dân tăng mức phạt trong phạm vi không quá hai lần mức Chính phủ quy định", ông Hùng đề xuất.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng cách làm này không chỉ tăng tính chủ động, linh hoạt mà còn nhấn mạnh đến trách nhiệm và hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương.
"Nước ta từ Bắc đến Nam có những thành phố giao thông, xây dựng rất trật tự, có những thành phố không được như vậy, cho thấy bên cạnh ý thức người dân thì quan trọng là tính kỷ cương của chính quyền địa phương", Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nói. "Nên trao quyền cao hơn để các địa phương thi đua".
Nhưng việc điều chỉnh tăng mức phạt theo trượt giá thì nên để Chính phủ làm, Thường vụ thống nhất ý kiến. Theo đó, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20%, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức phạt thấp nhất và cao nhất để đảm bảo công bằng và linh hoạt trong điều hành.
Một điểm còn tranh luận trong dự thảo luật là việc có hay không tịch thu tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính nhưng chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện không có lỗi (ví dụ thuê thiết bị để khai thác khoảng sản trái phép, mượn hoặc cướp xe để đua xe...).
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh điểm này cũng cần có sự thống nhất với các văn bản luật khác, đặc biệt là Bộ luật Hình sự.
Dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được thảo luận lần thứ hai tại kỳ họp Quốc hội tới.
Chung Hoàng