- Việc hạn chế tiếp cận với luật sư không nên quá nặng nề. Các quy định để luật sư gặp thân chủ trong tù hoặc trại tạm giam nên được đơn giản hóa và cho phép số lần gặp luật sư nhiều hơn 1.

Ông Scott Ciment, cố vấn chính sách UNDP tại Việt Nam cho rằng cần xem xét lại việc hạn chế người bị tạm giam, tạm giữ chỉ còn 1 lần gặp luật sư như quy định trong dự thảo luật Tạm giữ, tạm giam.

Vấn đề đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam đã được nhiều đại biểu đặt ra tại hội thảo về dự án luật Tạm giam, tạm giữ do UB Tư pháp của QH tổ chức chiều nay tại Hạ Long (Quảng Ninh).

{keywords} 

Theo ông Scott Ciment, nếu quy định chỉ cho người bị tạm giam, tạm giữ được tiếp cận luật sư 1 lần và hạn chế thân nhân thăm viếng sẽ ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của họ sau này. Ông cũng nhấn mạnh những người bị tạm giam, tạm giữ cần tiếp cận luật sư và trợ giúp pháp lí nhiều hơn những người đã bị phạt tù.

“Việc hạn chế luật sư không nên quá nặng nề. Các quy định đối với luật sư nên được áp dụng như nhau trên toàn quốc, không nên để tình trạng luật sư đến nơi rồi nhưng không biết có được tiếp cận thân chủ của họ hay không”, cố vấn chính sách của UNDP lưu ý.

Cho rằng các cơ quan nhà nước rất dễ nói lời từ chối để luật sư tiếp cận thân chủ bị giam giữ, ông  Scott Cimont nhấn mạnh các cơ quan chức năng cũng nên tính đến việc nói lời “có” luật sư cho người tạm giam, tạm giữ.

“Khi luật sư đáp ứng đủ các thủ tục tối thiểu, hãy để họ gặp thân chủ của mình, trừ những vấn đề lo ngại an ninh rất rõ ràng. Theo tiêu chuẩn quốc tế, luật sư và thân chủ của họ được giao tiếp với nhau trong bảo mật, quản lí trại giam không được nghe cuộc trao đổi của họ”, ông dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế.

Người bị tạm giữ, tạm giam được quyền bầu cử

Bà Quản Thị Thanh Hải, Vụ Dân chủ và pháp luật, MTTQ VN đề nghị dự thảo luật Tạm giữ, tạm giam cần thể hiện rõ việc người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là có tội nên họ chỉ bị hạn chế một số quyền như quyền tự do đi lại, cư trú… Còn các quyền khác như quyền được sống, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe, quyền tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người thân… phải được đảm bảo.

Ngoài ra, bà Hải cũng cho rằng, dự luật cần quy định rõ người bị tạm giam, tạm giữ được quyền khiếu nại, tố cáo. Thực tiễn trong quá trình tiến hành tố tụng đã có tình trạng ép cung, nhục hình dẫn đến oan sai, thậm chí có người chết trong nhà tạm giữ không rõ nguyên nhân.

“Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân, gây mất lòng tin trong nhân dân”, bà Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, ủy viên thường trực UB Tư pháp cho rằng quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa đảm bảo được quyền hợp pháp của họ, vừa tránh sơ hở, lạm dụng, gây khó khăn, phức tạp trong tổ chức thực hiện.

Theo ông Cường, hiện nay việc hạn chế các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam ở từng lĩnh vực cụ thể được quy định trong nhiều luật khác nhau và luôn có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

Điển hình như luật Bầu cử cũ không cho người bị tạm giữ, tạm giam được bầu cử nhưng luật Bầu cử mới thông qua chưa có hiệu lực cho phép họ được bầu cử. Hay như luật BHXH năm 2006 không cho người bị phạt tù được hưởng chế độ hưu trí nhưng luật mới năm 2014 đã bỏ quy định này.

Qua thảo luận của các ĐBQH tại kì họp mới đây, ông Cường đề nghị rà soát, bổ sung các quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giam, tạm giữ đã rõ, không bị hạn chế bởi các luật khác như quyền bầu cử. Đồng thời bổ sung quy định người bị tạm giam, tạm giữ được bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác, trừ trường hợp bị hạn chế theo quy định của pháp luật.

Thu Hằng