Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đưa ra hai phương án liên quan vấn đề xuất rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Phương án 1, nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1/7/2025) sẽ được rút BHXH một lần. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Trong 2 phương án rút BHXH một lần được trình QH, phương án 1 nhận được nhiều ý kiến đồng tình, còn phương án 2 vẫn có ý kiến băn khoăn.
Trong góp ý dự thảo Luật BHXH mới đây, Đại diện Sở Tư pháp TP HCM, ở phương án 2 quy định sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Tuy nhiên, không nêu rõ trường hợp người lao động nhận BHXH 50% rồi nếu có nhu cầu hưởng tiếp có được giải quyết không và phương án xử lý 50% còn lại trong trường hợp người lao động không tìm được việc làm và không tham gia tiếp BHXH sẽ như thế nào?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết nếu người lao động tiếp tục đi làm và đóng BHXH thì thời gian bảo lưu sẽ được cộng nối tiếp để hưởng đầy đủ chế độ với quyền lợi cao hơn, như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp...
Nếu đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đóng đủ 15 năm BHXH, người lao động có thể tiếp tục rút BHXH một lần; tham gia tiếp BHXH tự nguyện cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hàng tháng.
Dung hoà 2 phương án, hướng tới không cho rút một lần
Chuyên gia lao động Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách hạn chế rút BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh lâu dài của người lao động.
Theo ông Huân, với hai phương án Chính phủ trình Quốc hội, phương án 1 số người rút BHXH một lần có thể vẫn gia tăng, trong khi tỉ lệ bao phủ của BHXH tăng chậm, điều này có thể dẫn tới mạng lưới an sinh rất mỏng, không đảm bảo như mong đợi.
Trong khi, với phương án 2 cũng có điểm chưa thuyết phục, nên chăng tích hợp cả hai phương án trên theo hướng:
Với người tham gia trước thời điểm luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) thì được rút 8% đã đóng, còn lại tích lũy để hưởng lương hưu. Người tham gia từ sau năm 2025 không được rút BHXH một lần nữa.
Chính sách điều chỉnh từ cho rút có mức độ và hướng tới đóng lại không cho rút, tránh tạo cú sốc làm cho người lao động phản ứng như trước đây.
Cũng theo ông Huân, trong lúc chờ sửa luật, để giữ chân người lao động ở lại trong hệ thống BHXH, ngăn dần tình trạng rút “một cục”, cơ quan BHXH phải minh bạch nguồn tiền người lao động đóng, đảm bảo đầu tư sinh lời, đảm bảo mức lương được điều chỉnh tăng dần.
Đặc biệt, với những người lao động gặp khó khăn, không có tích cóp thì cần có chính sách hỗ trợ, vay tín dụng ưu đãi, thậm chí trợ cấp để họ có điều kiện tìm cơ hội việc làm, tiếp tục tham gia BHXH.
Theo chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO), có một số nước trên thế giới cho phép rút BHXH một lần, nhưng gần như chỉ Việt Nam cho rút toàn bộ tiền ở bất kỳ thời điểm nào.
ILO cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam bỏ chính sách rút BHXH một lần, nhưng trong bối cảnh hiện nay người lao động chưa chấp nhận hoàn toàn nên phải tìm cách tiếp cận dần dần.
Chính sách cần phải kết hợp giữa việc hạn chế và đưa ra các hỗ trợ thay thế do chính hệ thống cung cấp.