Thiệt hại do ham lãi cao 

Cuối năm 2020, chị T.H. (Q.Gò Vấp, TPHCM) được bạn bè rủ rê mua cổ phiếu (CP) của một ngân hàng (NH) vì giá liên tục tăng, từ mức 39.000 đồng/CP năm 2017 tăng lên hơn 70.000 đồng/CP vào năm 2020. 

“Tôi không rành về chứng khoán nhưng thấy bạn bán căn hộ để lấy vốn đầu tư và có lời trong nhiều tháng nên tôi cũng liều gom hết tiền tiết kiệm để góp với bạn đầu tư. Lúc cùng mua, mã CP này ở mức 65.000 đồng, bạn tôi tin giá sẽ lên 80.000 - 100.000 đồng/CP trong năm 2022. Tuy nhiên, hiện mã này giảm còn 36.000 đồng/CP. Chỉ sau một năm, tôi mất hơn phân nửa số tiền tích góp” - chị T.H. than.

Theo các chuyên gia, những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, kiến thức không nên tham gia vào thị trường chứng khoán ẢNH: PV
Theo các chuyên gia, những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, kiến thức không nên tham gia vào thị trường chứng khoán ẢNH: PV

Cũng nghe theo lời bạn rủ, ông N.T.T. (TP.Hà Nội) mua 1 tỷ đồng trái phiếu (TP) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với lãi suất (LS) 11,4%/năm từ tháng 11/2021. Thấy TP được quảng cáo đăng ký lưu ký và thanh toán qua ba công ty chứng khoán, được hai NH quản lý và bảo lãnh, LS gấp đôi so với LS tiết kiệm nên ông T. bỏ thêm 1 tỷ đồng nữa tiếp tục mua thêm TP của tập đoàn này. 

“Tôi không nắm hết các quy định về TP nhưng có cam kết mua lại của công ty chứng khoán, cũng được nhân viên một NH mời chào và tư vấn rất nhiệt tình nên mạnh dạn mua”, ông T. chia sẻ. Tuy nhiên, nhiều tuần nay ông không khỏi bất an sau khi chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt, số TP mà ông đang nắm muốn bán thời điểm này không dễ.  “Ngày 7/4 vừa qua, tôi có đến trụ sở Tân Hoàng Minh đề nghị tất toán hai hợp đồng nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được đồng nào” - ông T. nói với chúng tôi. 

Bất an với trái phiếu doanh nghiệp

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho rằng việc phát hành TP doanh nghiệp (DN) trong năm vừa qua tăng mạnh là do có sự cấu kết của các công ty chứng khoán và DN bất động sản (BĐS), người mua bị dẫn dắt bởi các nhân viên NH, nơi nhận phát hành TP. Cụ thể, theo quy định về phát hành TP DN dưới hình thức riêng lẻ thì TP này chỉ được bán cho nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, đang đầu tư chứng khoán với giá trị ít nhất 2 tỷ đồng, phải có thu nhập chịu thuế 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các NH phát hành vẫn chào bán tràn lan cho các NĐT riêng lẻ, các DN phát hành TP dùng thủ thuật chuyển đổi NĐT cá nhân thành NĐT chuyên nghiệp hoặc ủy quyền cho một công ty khác để bán ra cho NĐT riêng lẻ. 

Một khi Nhà nước vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm, đúng người đúng tội thì thị trường TP sẽ trở về trạng thái bình thường của nó. LS TP DN rất cao, lên tới 12%/năm, người mua TP có lợi hơn so với gửi tiết kiệm với LS chỉ 6-7%/năm. Tuy nhiên, thị trường TP DN hiện nay luôn luôn là dấu hỏi, NĐT cá nhân không thể biết được đâu là TP lành mạnh, đâu là TP có khả năng rủi ro. Điểm đơn giản nhất có thể dễ thấy là TP tốt thì có tính thanh khoản và được niêm yết trên sàn. Còn nếu TP sau khi mua mà không có chỗ bán khi cần thì phải hết sức cân nhắc. TP DN chắc chắn không phải là kênh thích hợp cho NĐT cá nhân nhỏ lẻ. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - hiện nay hầu hết các NH chỉ là đối tác của DN phát hành TP, tức là chỉ hỗ trợ về thủ tục như phân phối phát hành TP, quản lý tài sản đảm bảo của DN phát hành. Thường là các NH không bảo lãnh về thanh toán, tức khi xảy ra rủi ro, NH sẽ không có trách nhiệm trả lại tiền cho khách mua TP. Trong khi đó, NĐT lại nhầm lẫn hoặc được nhân viên NH tư vấn không rõ ràng nên hiểu theo nghĩa “TP này được NH bảo lãnh khi có rủi ro”.  

“Thị trường TP DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán thời gian qua hoạt động khá tốt, còn TP của DN không có niêm yết trên sàn do phát triển nóng và bị lách luật nên mới có rủi ro. Song dư địa phát triển TP DN thời gian tới sẽ tốt. Việc Chính phủ siết chặt hơn các quy định sẽ giúp thị trường TP lành mạnh hơn. Có thể DN phát hành TP sẽ ít hơn những năm trước nhưng thị trường sẽ ổn định, chất lượng hơn”, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhận định. 

Nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng

Kết thúc phiên giao dịch chiều 19/4, VN-Index giảm 26 điểm, còn 1.406 điểm, với gần 100 mã chứng khoán nằm sàn. Đây đã là tuần thứ ba liên tiếp thị trường chứng khoán chứng kiến những phiên giảm giá mạnh. 

Theo các chuyên gia, những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, kiến thức không nên tham gia vào thị trường chứng khoán
Theo các chuyên gia, những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, kiến thức không nên tham gia vào thị trường chứng khoán

Sự sụt giảm mạnh của thị trường khiến nhiều NĐT đang sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) bị các công ty chứng khoán buộc phải bán CP để đưa tỷ lệ vay về ngưỡng an toàn khiến áp lực bán tháo CP càng lớn. 

Bất chấp dịch bệnh, trong năm 2021 vẫn có hơn 4 triệu tài khoản giao dịch mới được mở. Riêng tháng 3/2022, thị trường ghi nhận con số kỷ lục: hơn 270.000 tài khoản chứng khoản được mở. Rất nhiều NĐT cá nhân không được trang bị kiến thức tài chính, chưa có kinh nghiệm, vốn đầu tư ít đã trở thành những người đầu tiên lâm cảnh bi đát khi thị trường điều chỉnh. Vụ “bán chui” hơn 70 triệu CP của ông Trịnh Văn Quyết bị cơ quan điều tra vào cuộc xử lý đã khiến nhiều NĐT cá nhân hoang mang, bắt đầu bán tháo các mã CP họ FLC. 

Nhiều chuyên gia nhận định rằng đã có quá nhiều NĐT tham gia thị trường mà không được trang bị đủ kiến thức tài chính. Đơn giản là họ bắt đầu với niềm tin rằng sẽ dễ dàng kiếm lời bằng cách mua đi bán lại CP theo tư vấn của các nhà môi giới hoặc những nguồn tin không chính thức. Quan trọng hơn, sự thua lỗ của các NĐT cá nhân bắt nguồn từ việc cơ quan quản lý đã không tạo ra một thị trường vận hành lành mạnh, được quản lý tốt. Trách nhiệm trực tiếp là ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thị trường không chỉ có một ông Trịnh Văn Quyết và hành vi “bán chui” CP của ông Quyết cũng không chỉ diễn ra một lần. Ngay cả sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ năm tháng giao dịch chứng khoán vì bán “chui” 74,8 triệu CP FLC vào hồi tháng 1/2022, theo cơ quan điều tra, ông Trịnh Văn Quyết vẫn tiếp tục có hành vi thao túng đẩy giá CP. Trước đó, một số vụ vi phạm thao túng giá chứng khoán bị xử lý như vụ ông Nguyễn Văn Nam - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần liên danh SANA WMT - làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu CP ASA; Phạm Thị Hinh - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA) -  cùng hàng loạt nhân sự thuộc Công ty Chứng khoán VSM lập 69 tài khoản để mua bán CP KSA, tạo cung cầu giả trên thị trường…

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, nếu NĐT chứng khoán muốn tìm kiếm một mức lợi nhuận cao hơn so với LS tiết kiệm nhưng an toàn thì chỉ đầu tư khi thị trường ổn định, rõ ràng. Trong thời điểm từ cuối năm 2020 đến năm 2021, thị trường chứng khoán tăng nóng đột biến, nhiều NĐT vẫn theo xu hướng đám đông, rót tiền vào dù không đủ am hiểu về nó. “Trong giai đoạn hiện nay, giá chứng khoán đang xuống, có không ít lời khuyên nên mua vào nhưng quan điểm của tôi thì đây chưa phải là thời điểm xuống tiền vì giá chứng khoán vẫn chưa xuống bằng mức tăng của năm 2021. Đây vẫn là giai đoạn nên quan sát, đến lúc thị trường được điều chỉnh đi ngang thì NĐT trung hạn có thể mua vào. Với những NĐT lướt sóng thì không nên chọn kênh đầu tư này nếu như không am hiểu về nó”, tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói.  

Không nên lướt sóng bất động sản

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định: “NH Nhà nước Việt Nam cũng đang siết cho vay BĐS do lĩnh vực này thâm dụng vốn quá nhiều, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá CP các DN BĐS vì vậy giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến các NĐT lướt sóng dựa trên vốn vay. Nếu muốn đầu tư BĐS tại TP.HCM với nhu cầu kinh doanh, nhà ở là hợp lý còn đầu tư lướt sóng kiếm lời thì không nên vì giá BĐS tại TP.HCM trong suốt hai năm qua không tăng giá nhiều. Riêng BĐS các tỉnh thì NĐT nên quan sát, không nên vội vã xuống tiền vì đang có sự điều chỉnh về giá và khó tăng trong 
năm 2022”.

Cảnh giác với tin đồn trên thị trường chứng khoán
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - khuyến nghị các NĐT cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn. NĐT lúc này cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất - kinh doanh của từng DN; lựa chọn những CP có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao. Ngoài ra, cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn từ tin giả và tin đồn, dẫn đến sai lầm trong đầu tư.

 

(Theo Phụ Nữ  TP.HCM)