Đây là kết quả của tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết của Chính phủ; với phương châm chủ động nắm tình hình, bình tĩnh, tự tin, tỉnh táo xác định nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong điều hành kinh tế; với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm; với tinh thần năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bức tranh tăng trưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong xuất siêu 21,68 tỷ USD của cán cân thương mại hàng hoá 9 tháng. Điều này đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm với giá ổn định, là nền tảng trong kiểm soát lạm phát bình quân 9 tháng ở mức 3,16%. 

Kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 phản ánh tăng trưởng được thúc đẩy, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong quý IV/2023 và tăng trưởng cao hơn trong năm tới.

Thế giới nhìn Việt Nam khá tích cực

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,9%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023. 

Nền kinh tế Việt Nam đang vượt khó, dần lấy lại đà tăng trưởng. 

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 4,7% trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,8% (tháng 4/2023) về mức 4,7% trong năm 2023. 

Bên cạnh đó, Goldman Sachs nhận định dòng vốn FDI toàn cầu đang rời Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Fitch Ratings nhận định rủi ro tín dụng và thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đỉnh điểm.

Trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài... 

Tăng trưởng vẫn gặp không ít thách thức

Ngân hàng Thế giới (WB, tháng 6/2023) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023 so với mức 3,1% của năm 2022. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, tháng 6/2023) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng 2,7%; Liên hợp quốc (UNDESA) dự báo tăng 2,3%; Fitch Ratings dự báo tăng 2,4%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 7/2023) dự báo tăng 3%. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng cả năm 2023:

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 sẽ là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn. 

Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức. Yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV.

Như vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường như: Sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu… tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm trong điều hành kinh tế.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV