Chiều 30/11, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc.

Ông Lê Phan Linh, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, trong đối thoại, thương lượng hiệu quả đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có trình độ, kỹ năng.

Theo ông Linh, để đòi tiền ăn ca tăng từ 20.000 lên 40.000 đồng, cán bộ phải nêu rõ được các vấn đề như lạm phát, trượt giá để thuyết phục doanh nghiệp đồng thuận với đề xuất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động duy trì sức khoẻ để làm việc nâng cao hiệu quả.

img 2999.jpg
Nên quy định bữa ăn ca cho người lao động vào luật, không quy ra tiền mặt.

Đồng thời, ông Linh nhấn mạnh, việc tăng tiền ăn ca phải được thực hiện đưa vào bữa ăn của người lao động để đảm bảo dinh dưỡng. Kiên quyết không cho phép đổi sang tiền mặt như được 35 đồng chỉ ăn 25 đồng, để 10 đồng làm việc khác.

Do vậy, ông Linh đề xuất, nên quy định bữa ăn ca cho người lao động vào luật, không quy ra tiền mặt.

Đối với bữa ăn giữa ca, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019: Chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Theo đó, bữa ăn ca là chế độ khuyến khích tùy thuộc vào kết quả thương lượng, thỏa thuận của người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở với người sử dụng lao động.

Vì vậy, trong khi luật chưa quy định cứng về tiền ăn ca, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn phát huy vai trò của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua đối thoại, thương lượng về các chế độ, quyền lợi (trong đó có bữa ăn giữa ca) đối với người lao động.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, cán bộ công đoàn muốn đối thoại bảo vệ quyền lợi người lao động cần phải có kỹ năng và cần lắng nghe ý kiến đóng góp của người lao động.

Khi người lao động được đóng góp ý kiến thường xuyên và tham gia vào các kế hoạch hay sáng kiến cải tiến doanh nghiệp, thì việc thực hiện các sáng kiến sẽ trở nên hiệu quả và lâu bền hơn.

"Việc thông qua đối thoại tại nơi làm việc sẽ giảm tranh chấp lao động tập thể, hạn chế đình công, thu hẹp khoảng cách giữa người lao động và chủ sử dụng lao động", đại diện VCCI cho biết.