Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về quyền con người là rất rõ ràng, đó là thành quả của một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của nhiều thế hệ người Việt Nam, cũng là mục đích rất cao đẹp mà Nhà nước Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam đã và đang phấn đấu đạt tới, để làm nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ðó là một sự thật mà không ai có thể phủ nhận.

{keywords}
Nền tảng thực hiện quyền con người ở Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định.

Trong một phát biểu quan trọng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày nhân quyền thế giới, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: trên cơ sở đường lối của Đảng, Nhà nước ta, với sự tham gia của nhân dân, đã từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế bảo đảm quyền con người, tạo tiền đề và điều kiện quan trọng cho những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của quyền con người.

Đặc biệt, sau hơn 30 năm sau chiến tranh và nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nhờ có chính sách đúng đắn và công cụ thực hiện ngày càng hiệu quả, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được những thành tựu cơ bản và có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp bảo đảm và phát triển quyền con người.

Thành tựu to lớn và có ý nghĩa nền tảng cho việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975. Chính thực tiễn đấu tranh của dân tộc ta đã chỉ rõ việc bảo đảm quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và phát triển.

Bên cạnh đó, đi vào tái thiết và phát triển đất nước sau hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá, Đảng và Nhà nước coi phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng cho việc thực thi dân chủ và quyền con người.

{keywords}
Chính thực tiễn đấu tranh của dân tộc ta đã chỉ rõ việc bảo đảm quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và phát triển. Ảnh Dũng Lê

Trong những năm qua, chúng ta đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao liên tục trên 7%/năm. Đặc biệt, sau hơn 20 năm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần (từ 200 USD/người vào năm 1990 lên 1.024 USD/người năm 2008), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm 4 lần (từ 60% vào năm 1990 xuống còn 13,8% năm 2008).

Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất, đã đạt và vượt nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ, đồng thời có thể đạt được tất cả các mục tiêu này theo đúng thời hạn.

Song song với các nỗ lực bảo đảm quyền con người ở trong nước, Đảng và Nhà nước chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và xây dựng, vì mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

Trên cơ sở đó, nước ta đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quốc tế chủ chốt về nhân quyền và 17 công ước quốc tế về lao động. Ngày 22/10/2007, chúng ta đã ký Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và đang nghiêm túc xem xét việc ký kết Công ước chống tra tấn.

Việt Nam cũng chủ động tham gia ngày càng hiệu quả và tích cực tại các diễn đàn đa phương, trong đó có các cơ chế đa phương về nhân quyền, như Uỷ ban 3 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng nhân quyền. Hiện nay, chúng ta đang tích cực tham gia quá trình thảo luận nhằm thành lập cơ chế nhân quyền khu vực ASEAN, tham gia nhiều hội nghị nhân quyền quốc tế và khu vực khác.

Trong quan hệ song phương, với chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác về quyền con người, nước ta đã thiết lập cơ chế đối thoại với các nước/đối tác như Mỹ, EU, Ôxtrâylia, Na Uy, Thụy Sĩ, đạt kết quả tích cực trong nhiều năm qua.

Ông Phạm Bình Minh cho rằng, chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, Đảng và Nhà nước đã chú trọng giải quyết việc làm - một vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc hiện nay, đặc biệt với Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm năm 2006-2010, Quỹ quốc gia về việc làm và các dự án hỗ trợ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ tính từ năm 2001-2008, cả nước đã có 12,44 triệu việc làm mới, trong đó gần 9,3 triệu thông qua các chương trình phát triển kinh tế và hơn 2,6 triệu thông qua Quỹ quốc gia về việc làm.

{keywords}
Đặc biệt, từ ngày 1-1-2009, lần đầu tiên Nhà nước áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần hỗ trợ tối đa cho người lao động trong quá trình tìm việc. Ảnh minh họa: Dũng Lê

Đặc biệt, từ ngày 1-1-2009, lần đầu tiên Nhà nước áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần hỗ trợ tối đa cho người lao động trong quá trình tìm việc. Đây là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người lao động.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 8/5/2009, tại Trụ sở LHQ ở Genève (Thụy Sĩ), Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ (UPR) về việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền. Báo cáo của ta được các nước đánh giá cao, đặc biệt về sự chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, cách đề cập và trình bày mang tính xây dựng, thuyết phục, qua đó cho thấy vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, và sự thừa nhận của các nước đối với thực tế bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người ở nước ta.

Việt Nam đã đón các báo cáo viên đặc biệt về giam giữ độc đoán và về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (năm 1998) và đang làm thủ tục mời ba báo cáo viên đặc biệt về quyền giáo dục, về quyền được chăm sóc sức khỏe và về đói nghèo cùng cực vào thăm Việt Nam.

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày chính thức tham gia LHQ bà Pratibha Mehta - Ðiều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam cũng đánh giá:  "Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, LHQ đã mở ra một cánh cửa kết nối Việt Nam với những kiến thức, kinh nghiệm và trợ giúp kỹ thuật của quốc tế, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được  những tiến bộ trong phát triển, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân.

Cụ thể, những tiến bộ quan trọng trong các lĩnh vực như xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Việt Nam cũng đã được ghi nhận. Cũng từ những kết quả thực chất đó, Việt Nam là một trong số 50 quốc gia trên thế giới được lựa chọn để thực hiện các cuộc trưng cầu dân ý trên diện rộng về các mục tiêu phát triển toàn cầu mới.

Ðây chính là nền tảng, là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam nhìn nhận về những tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, cũng như những việc cần làm cả ở trong nước và quốc tế nhằm bảo đảm tất cả mọi người ở mọi làng quê và thành phố đều được hưởng một cuộc sống thịnh vượng".

Chính những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Minh Vân