Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An mong rằng kỳ thi năm nay vẫn sẽ được diễn ra thuận lợi, bởi tâm thế học sinh lâu nay đã đầu tư công sức, trí tuệ và thời gian ôn tập. Theo ông Thành, có thi thì các địa phương mới thúc đẩy hoạt động dạy học và các trường cũng vậy. Mặt khác, kỳ thi THPT quốc gia là một trong những tiêu chí đánh giá quá trình 12 năm học của học sinh trên diện rộng, so sánh với mặt bằng chung của cả nước, tạo động lực thi đua giữa các địa phương, các trường với nhau.
“Thường thì ở các trường THPT chỉ cần đến giữa học kỳ 2, các lớp 12 gần như đã hoàn thiện chương trình, sau đó dành thời gian ôn luyện. Như vậy, năm nay chỉ cần khoảng 3 tuần nữa là đủ điều kiện cho các trường đảm bảo chương trình. Nếu đề thi THPT quốc gia được xây dựng theo hướng tỉnh giản kiến thức học kỳ 2 lớp 12 thì thi vẫn rất hợp lý” - ông Thành nói.
Trong tình huống xấu hơn, ông Thành kiến nghị Bộ có thể xem xét không triển khai kỳ thi đồng loạt trên cả nước mà có phương án riêng cho những địa phương có dịch bệnh phức tạp. Chẳng hạn, không nên tổ chức quá nhiều điểm thi để kiểm soát và những người không có bổn phận thì hạn chế tham gia vào các khâu.
Nếu tháng 5 học sinh trở lại đi học được bình thường, kỳ thi THPT quốc gia sẽ vẫn diễn ra (Ảnh: Thanh Hùng) |
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng nên trì thi THPT quốc gia; nếu tháng 5 học sinh trở lại đi học được bình thường thì chương trình, tiến độ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, còn hết tháng 5 thì lại khác.
Sự thay đổi, theo bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, là kỳ thi cần được tinh giản, gọn nhẹ.
"Chúng tôi đề xuất lên Bộ GD-ĐT có thể thi nhưng theo hướng học đến đâu thì thi đến đấy. Có thể đề thi tập trung vào học kỳ 1 lớp 12 thôi chẳng hạn" – bà Thúy cho hay.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cho rằng có thể thi và chỉ bắt buộc 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để xét tốt nghiệp THPT. Riêng thí sinh nào có nguyện vọng dự tuyển vào đại học bằng tổ hợp nào thì đăng ký thi thêm các môn khác để phục vụ xét tuyển. Như vậy học sinh giảm được cả khối lượng kiến thức và áp lực tâm lý.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng trừ một số ngành, trường đặc thù, việc xét tuyển ĐH hiện nay chủ yếu là chỉ cần thi 3 môn Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh là đủ.
“Tất nhiên điều này cũng có bất cập, cụ thể là nhiều em đã đầu tư học theo các tổ hợp môn khác. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên chúng ta phải chấp nhận” – ông Dũng nói.
Kỳ thi tốt nghiệp giảm môn, trường đại học có thể lấy kết quả để xét tuyển?
Trong kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh dự thi bắt buộc 3 môn Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Theo thống kê, có tới hơn 190 tổ hợp (3 môn) để xét tuyển ĐH.
Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo của Học viện Tài chính, cho rằng kỳ thi chỉ cần giữ lại 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Các trường ĐH cần thêm môn nào thì có thể tổ chức kiểm tra, xét theo hình thức riêng của mình.
Theo ông Tùng, các trường cũng có thể dựa thêm vào kết quả học tập THPT hoặc Bộ GD-ĐT nên tính tới việc cho phép thí sinh nào có nguyện vọng xét đại học có thể thi thêm bài thi tổ hợp, nhưng được lựa chọn số môn thi theo nhu cầu.
Riêng với Học viện Tài chính, ông Tùng cho hay trong trường hợp không đủ số môn thi theo tổ hợp xét tuyển như ban đầu, có thể xét thêm kết quả học tập các môn từ học bạ.
Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nhận định nếu chỉ thi 3 môn Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ thì các trường ĐH sẽ khó khăn trong xét tuyển. Tuy nhiên, theo ông Sơn “có còn hơn không”, bởi việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia vẫn được các trường chú trọng.
“Phần lớn các trường đều sử dụng các khối xét tuyển có Toán và Ngữ văn nên có thể lấy điểm của 2 môn này làm môn chính, còn lấy điểm học bạ các môn lớp 12 đối với môn thứ 3. Ví dụ, xét tuyển khối A01 thì sẽ lấy điểm thi Toán và Tiếng Anh từ bài thi THPT quốc gia, cùng với điểm trung bình chung lớp 12 môn Lý để xét" - ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, có thể một số các ĐH lớn tổ chức hoặc kết hợp để tổ chức thi các môn theo ý của mình. Các trường nhỏ hay không tổ chức được kỳ thi riêng cũng có thể dựa vào kết quả thi của trường lớn để xét tuyển.
Ông Sơn cho hay việc đổi tổ hợp môn dĩ nhiên có ảnh hưởng đến công tác đào tạo, tuy nhiên điều này không đáng ngại, bởi “giỏi ở bậc THPT không có nghĩa sẽ giỏi ở bậc ĐH”.
Trong khi đó, ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, nêu quan điểm: “Với số môn giảm đi thì các tổ hợp môn tuyển sinh sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng đến đâu còn tuỳ vào việc môn nào bị giảm. Các trường có tổ hợp bị ảnh hưởng sẽ dùng tổ hợp khác, hoặc có thể dùng thêm các điều kiện phụ như điểm học bạ THPT, hoặc tổ chức đánh giá đầu vào (thi tuyển), hay dùng kết quả đánh giá từ các trường/tổ chức khác, hoặc phối hợp các phương án này”.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, chỉ một số ít ngành đào tạo cần đúng các môn học THPT (Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Tiếng Anh,...) thì điểm thi/học các môn này ở bậc THPT là quan trọng đến xét tuyển bởi ảnh hưởng sự học ở bậc ĐH. Nhưng nhiều ngành thực ra cần hơn ở thí sinh năng lực - kiến thức tổng hợp, khả năng tự học, đam mê, cần cù, tư duy logic, nhận thức xã hội..., do đó không nên quá nặng nề chuyện tổ hợp môn thi.
Ông Thắng cũng cho rằng dù là phương án nào nhà trường cũng không bị ảnh hưởng bởi kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM đang dần khẳng định hiệu quả trong công tác tuyển sinh. Chưa kể, ĐHQG TP.HCM dùng thêm phương án ưu tiên xét tuyển các học sinh giỏi từ các trường THPT chuyên và các trường top 100 điểm thi THPT quốc gia.
“Qua theo dõi kết quả học tập cho thấy, các sinh viên xét tuyển bằng các phương thức đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển có kết quả học tập có phần nhỉnh hơn các em được tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Như vậy, việc mở rộng các phương thức này cũng là một phương án tốt trong tình hình hiện nay”.
Theo ông Thắng, hiện nay một số trường ĐH đã bắt đầu tính toán và khi kỳ thi THPT quốc gia được xác định rõ ràng có diễn ra hay không, các trường chắc chắn sẽ có các phương án hợp lý để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả cao nhất.
Thanh Hùng – Lê Huyền
Nếu đi học trước 15/6, vẫn thi THPT quốc gia vào tháng 8
- Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn sẽ diễn ra như dự kiến nếu học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15/6.