Số liệu điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lao động “chưa bao giờ đi học” ở các địa phương có đông đồng bào DTTS rất cao. Như khu vực Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB), cứ 100 lao động thì có 9,1 người chưa bao giờ đi học; khu vực Tây Nguyên thì có 6,6/100 người…

Cùng với đó, số lao động chưa tốt nghiệp tiểu học ở các địa phương có đông đồng bào DTTS hiện cũng rất nhiều. Theo thống kê, ở khu vực TDMNPB, trong 100 lao động, thì có 8 người; khu vực Tây Nguyên là 10,2 người. Đặc biệt, ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), trong 100 lao động thì có 17,8 người chưa tốt nghiệp tiểu học.

Ngoài giáo dục phổ thông, TCTK cũng đưa ra chỉ số phản ánh khá rõ nét trình độ CMKT thấp của lực lượng lao động DTTS. Ở khu vực TDMNPB; bình quân trong 100 lao động chỉ có 19 người đã qua đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học ); khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL còn thấp hơn, chỉ có 13 - 16/100 lao động đã qua đào tạo.

Đại đa số chưa qua đào tạo nên lao động DTTS chủ yếu làm việc đơn giản, thu nhập thấp. Từ năm 2015, kết quả điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS đã cho thấy, thu nhập bình quân của lao động DTTS chỉ 1,16 triệu đồng/người/tháng, bằng 45% bình quân chung của cả nước.

Nhưng nếu lao động chỉ cần được đào tạo trình độ sơ cấp, mức sống đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể với 100 lao động có trình độ CMKT sơ cấp, nhóm “giàu nhất” có 15 - 17 người; nhóm “giàu” có 22 - 24 người; nhóm “trung bình” có 26 người; trong khi chỉ có 24 người “nghèo” và 9 - 12 người “nghèo nhất”.

{keywords}
Lao động có trình độ được xem là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi. 

Số liệu điều tra của TCTK cũng cho thấy, mức sống của lao động tăng tỷ lệ thuận với trình độ CMKT. Như với lao động có trình độ CMKT bậc cao, trong 100 lao động thì 56 người thuộc nhóm “giàu nhất”, chỉ có 3 người thuộc nhóm “nghèo nhất”.

Lâu nay, một thói quen trong suy nghĩ của rất nhiều lao động DTTS, là chỉ cần có sức khỏe, có đất sản xuất, có vốn… là có sinh kế ổn định; học vấn không mấy quan trọng. Nhưng thực tế, trình độ học vấn có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ giàu nghèo của từng gia đình.

Cùng với hạn chế về giáo dục phổ thông, đại đa số lao động DTTS không có trình độ CMKT. Cụ thể, theo số liệu của TCTK, khu vực Trung du miền núi phía Bắc hiện có 81,9% dân số từ 15 tuổi trở lên không có CMKT; tỷ lệ này ở khu vực Tây Nguyên là 86,1%, ở Đồng bằng sông Cửu Long là 90,3%.

Trước những thách thức về thị trường, việc làm… trong thời đại 4.0, có ý kiến cho rằng, chỉ tiêu “lao động qua đào tạo” một cách chung chung đã hết thời kỳ lịch sử; việc đào tạo CMKT cho lao động, nhất là lao động DTTS, phải được tiếp cận ở góc độ khác phù hợp hơn thì mới có thể giúp họ giảm nghèo bền vững.

Thu Hằng HP
Ảnh: Diệu Bình