Trong một lá thư gửi tới một thượng nghị sĩ cấp cao tuần trước, người tuýt còi Mỹ Edward Snowden khẳng định chính phủ Nga sẽ không có cách nào lấy được bất kỳ thông tin nhạy cảm nào từ anh ta.

TIN BÀI KHÁC:


{keywords}
Edward Snowden

Tuyên bố trên được đưa ra bất kể thực tế rằng Snowden đang bị kẹt ở sân bay Moscow suốt mấy tuần qua, mang theo 4 máy tính xách tay mà anh ta được cho là đã dùng để "nẫng" các bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

"Không một cơ quan tình báo nào có khả năng giành được những bí mật mà tôi tiếp tục bảo vệ", Snowden viết cho cựu Thượng nghị sĩ Gordon Humphrey của New Hampshire trong một email được tờ báo Anh Guardian đăng tải. "Ông có thể yên tâm biết rằng tôi không thể bị ép buộc tiết lộ thông tin đó, ngay cả khi bị tra tấn".

Nghe qua thì những lời trên có vẻ như là một sự khoác lác từ một người tự nhận có thể nghe trộm cả Tổng thống hay có khả năng "đóng cửa hệ thống do thám chỉ trong vòng một buổi chiều".

Trong khi đó, cả cộng đồng tình báo lẫn kinh doanh biết rất rõ là bất kỳ thiết bị điện tử nào nếu được đưa tới Moscow (hoặc Hongkong) đều sẽ bị cơ quan tình báo của quốc gia sở tại chiếm được. Có lẽ, Snowden đang đánh giá quá thấp năng lực kỹ thuật của các cơ quan an ninh Nga, hoặc anh ta quá tự tin vào tài năng của mình.

Nhưng có một khả năng thứ 3: Snowden đang nói sự thật, rằng thực sự là không có cách nào có thể khiến anh ta tiết lộ thêm thông tin.

Snowden có thể đã rời khỏi Mỹ cùng với "bốn máy tính cho phép anh ta truy cập được một số bí mật cấp độ cao nhất của chính phủ Mỹ", như Guardian đánh giá. Nhưng cũng có thể người đàn ông 30 tuổi này không giữ trong tay những bí mật đó vào lúc này. Cả bốn chiếc máy tính có thể trống rỗng - và bí mật nằm ở một nơi khác.

Kể từ khi những gì Snowden tiết lộ xuất hiện trên truyền thông, ở Washington đã nổ ra một cuộc tranh luận xung quanh việc liệu nhà quản lý hệ thống kỳ cựu này là một kẻ tuýt còi hay một tên gián điệp.

Ý kiến Snowden làm gián điệp dường như càng được củng cố khi anh ta xuất hiện tại Hongkong và sau đó ở Moscow. Ngay cả nếu Snowden không tự nguyện hợp tác với chính quyền ở hai nơi đó thì họ cũng sẽ "rút" được mọi dữ liệu trong bốn máy tính xách tay của anh ta. Nếu các dữ liệu đó được mã hóa thì mọi thứ có thể diễn ra chậm hơn nhưng cuối cùng thì bí mật vẫn sẽ rơi vào tay họ.

Nhưng các giả thuyết trên đều có vẻ ít tính thực tế. Thông thường, các điệp viên sẽ không đâm đơn xin tị nạn ở một loạt quốc gia. Và các cựu chuyên gian phản gián kỳ cựu - ngay cả những người trẻ và khác đời như Snowden - cũng không "như trên mây" như vậy.

Như Snowden nói với cựu Thượng nghị sĩ Humphrey, "một trong các chuyên môn của tôi là dạy cho người của mình ở DIA (Cơ quan Tình báo quốc phòng) cách thức giữ những thông tin đó không bị truy cập, thậm chí trong những môi trường phản gián nguy cơ cao nhất".

Tất nhiên, cách tốt nhất để giữ thông tin đó không bị "chôm chỉa" là không giữ nó trong tay.

Bạn càng quan tâm đến câu chuyện "4 chiếc máy tính xách tay" thì nó dường như càng giống như một thủ đoạn được xây dựng để giữ cho các gián điệp ở Washington và Moscow phải đoán mò. Tại sao Snowden lại cần đến tận 4 chiếc laptop để mang dữ liệu NSA khi một ổ cứng có kích cỡ bằng bàn tay cũng đủ để mang nhiều terabyte thông tin. Tại sao anh ta lại cầm theo những thông tin như vậy khi biết mình sẽ là mục tiêu của các cơ quan tình báo phương Tây - những thế lực mà "không ai có thể chống lại một cách đúng nghĩa" như Snowden từng nói.

"Nếu họ muốn có bạn thì họ sẽ có bạn ngay". Chắc chắn, dữ liệu có thể là một con bài mặc cả trong thương lượng tị nạn chính trị, nhưng thẻ bài đó có ý nghĩa gì nếu nó có thể bị giật khỏi tay bạn?

Người thông minh hơn sẽ cho ai đó khác một đòn bẩy - để một trong những người nói hộ Snowden, như Glenn Greenwald hoặc Laura Poitras chẳng hạn, nắm giữ dữ liệu. Hoặc chia tách nhỏ chúng ra giữa hàng chục chủ thể khác nữa. Nhóm của Snowden tuyên bố họ đã thiết kế một kiểu công tắc số của người chết, mà có thể tuôn ra một lượng thông tin nhảy cảm trong trường hợp Mỹ có "hành vi đểu giả" như Greenwald đã nêu.

Công tắc mang tính ẩn dụ này được thiết kế để ấn mà không cần có Snowden hoặc sự hiện diện của anh ta.

Trong một thế giới ôn hòa, những nội dung có trong các laptop của Snowden có thể có các phân nhánh hợp pháp. Sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với Đạo luật Chống gián điệp khi công bố thông tin nhạy cảm cho một thế lực bên ngoài, tội lớn hơn nhiều so với việc trộm những bí mật mà có thể được sử dụng để làm hại nước Mỹ. (Một tội mang án tử hình, tội kia mang án 10 năm tù). Nhưng thế giới này không phải lúc nào cũng bình yên.

Hôm 18/7, một thẩm phán tòa án binh đã nhất trí để binh sĩ Bradley Manning bị kết tội "trợ giúp kẻ thù" vì Osama bin Laden có thể đã đọc một trong những tài liệu mà anh ta tiết lộ trên một trang web tin tức. Dù trong máy tính của Snowden có gì đi nữa thì nhiều khả năng anh ta cũng phải đối mặt với hình phạt khắc nghiệt nếu trở về Mỹ.

Nhưng có thể sẽ có những hậu quả trong cách thức mà Snowden - và những người tiết lộ bí mật trong tương lai - phải lĩnh nhận, phụ thuộc vào những chiếc máy tính của anh ta chứa đầy dữ liệu hay trống rỗng. Những người từng tuýt còi chính phủ Mỹ đều tỏ ra lo lắng công khai rằng Snowden có thể làm hỏng "chính nghĩa", khiến họ bị dán nhãn là "những kẻ phản bội", nếu Snowden đặt các bí mật của Mỹ vào tay Tổng thống Vladimir Putin.

Nhưng điều gì xảy ra nếu như anh ta không có thêm các bí mật nữa để mà rò rỉ?

Thanh Hảo (Theo FP)