Vào năm 2000, thế giới thở phào nhẹ nhõm khi tin đồn máy bay sẽ rơi từ trên trời xuống lúc đồng hồ chuyển sang nửa đêm vào ngày 31 tháng 12 năm 1999 do sự kiện Y2K không thành hiện thực. PlayStation 2 ra mắt đã làm say lòng các game thủ trên toàn thế giới. Và nhiều người cũng bắt đầu được “nếm mùi” chiếc điện thoại di động đầu tiên trong đời.
Thời điểm đó, điện thoại chưa phổ biến như smartphone ngày nay và có một chiếc điện thoại để sử dụng trong trường thật là ngầu biết bao. Nếu bạn thuộc thế hệ lớn lên với những chiếc điện thoại “đập đá”, “vỏ sò”, thì bạn sẽ thấy những điều dưới đây là rất thân thương và quen thuộc, còn nếu bạn lớn lên với những chiếc smartphone cùng TikTok, Facebook, thì có lẽ bạn sẽ bối rối, hoài nghi và tội nghiệp cho những thế hệ đi trước.
Nokia 3310 ra mắt năm 2000
Dù sao thì cũng hy vọng bạn sẽ thích khi nhìn lại cách mọi thứ diễn ra trong thời kỳ trước smartphone. Không có màn hình cảm ứng màu sắc và các phụ kiện đủ chủng loại.
Bàn phím T9 gõ không cần nhìn
Rất lâu trước khi có sự xuất hiện của bàn phím ảo QWERTY, chúng ta phải soạn tin nhắn bằng những phím số. Mỗi phím số có ba ký tự, trong đó phím số 7 và 9 có bốn ký tự.
Nokia 1280 với bàn phím T9
Ví dụ, nếu bạn muốn nhập chữ “b”, bạn phải nhấn phím số 2 (chứa ký tự abc) hai lần, để chọn chữ “b”. Tuy nghe có vẻ phức tạp và mất thời gian, nhưng thực tế thì nhiều người rất giỏi nhập liệu theo cách này. Nếu đã quen thuộc, bạn thậm chí có thể soạn tin nhắn mà không cần nhìn vào bàn phím, khác hẳn với việc vừa nhìn bàn phím vừa gõ mà vẫn sai như trên smartphone với bàn phím QWERTY ngày nay.
Thay vỏ điện thoại như thay áo
Với những chiếc smartphone hiện đại phần lớn trông giống như một khối hình chữ nhật nhàm chán, cách duy nhất để thực sự nổi bật giữa đám đông là che điện thoại của bạn bằng một chiếc ốp lưng. Thậm chí, một chiếc smartphone sẽ được xem là kỳ lạ nếu cho người dùng tháo pin ra, nhưng trước khi các smartphone được thiết kế kín kẽ, thì chúng ta không những có thể thay pin mà còn thay cả vỏ cho những chiếc điện thoại thời trước. Nokia còn có một quảng cáo cho khả năng thay vỏ của Nokia 5510.
Ai cần sạc pin cơ chứ
Những chiếc điện thoại ngày xưa có thể tháo pin ra rất dễ dàng
Như đã nói ở trên, trong khi ngày nay bạn phải sạc điện thoại nhiều lần thì lúc xưa, không ít người dùng di động sở hữu nhiều hơn 1 viên pin cho chiếc điện thoại của họ. Bạn có thể dễ dàng tháo viên pin đã cạn ra và gắn viên pin còn đầy vào để tiếp tục sử dụng. Kết hợp với việc các điện thoại này thường có thời gian sử dụng lên đến cả tuần trước khi cạn pin thì bạn có thể đi du lịch cả tháng với vài viên pin dự phòng mà không cần phải sạc điện thoại. Và ngày ấy, những cục sạc đa năng cũng là món đồ nhiều người sử dụng.
Ngày nay trong các chuyến du lịch, bạn chắc chắn sẽ trải qua nỗi lo về pin.
Những sợi cáp độc quyền
Tất nhiên quá khứ không phải lúc nào cũng toàn mật ngọt, có không ít điều phiền phức về điện thoại ngày xưa. Ví dụ chính là bộ sạc, ý tưởng người dùng có thể chia sẻ cáp sạc với sản phẩm của các hãng khác là không tồn tại lúc bấy giờ.
Nokia, Samsung, Sony Ericsson và những hãng khác đều có các loại cáp sạc độc quyền cho điện thoại của họ, do đó nếu ghé nhà bạn bè chơi mà họ không dùng chung hãng điện thoại với bạn thì xui rồi đấy.
Một dây cáp sạc dùng cho Sony Ericsson
Một tai nghe của Sony Ericsson
Khi điện thoại bắt đầu có khả năng phát nhạc, chúng lại có cổng kết nối tai nghe đặc biệt dành riêng thay vì cổng 3.5mm phổ biến. So với những điều đó thì sạc USB-C và Lightning ngày nay quả là một điều tuyệt vời.
Biểu tượng cảm xúc ASCII
Trước khi có các biểu tượng cảm xúc cầu kỳ với đồ họa đẹp mắt ngày nay thì con người từng truyền tải cảm xúc của họ trên điện thoại bằng cách sử dụng 100% ký tự và biểu tượng trên bàn phím.
Từ những khuôn mặt cười và nháy mắt cổ điển :-) ;-) đến những biểu cảm thất vọng -_- và cả con vật dễ thương <(^ _ ^)>, thế giới biểu tượng cảm xúc thúc đẩy sự sáng tạo, khuyến khích mọi người tìm ra nhiều cách phức tạp hơn để thể hiện bản thân.
Trả tiền cho nhạc chuông
Trả tiền cho nhạc chuông ngày nay có vẻ như là một khái niệm hoàn toàn xa lạ, nhưng hồi đó chúng ta từng rất vui khi được chi tiền cho các bài nhạc chuông.
Trên một số mẫu máy nhất định, bạn thậm chí có thể tạo nhạc chuông của riêng mình bằng cách phối hợp các nút nhấn.
Tự hào khi thay đổi hình nền
Rất lâu trước khi ý tưởng về hình nền tùy chỉnh trở thành hiện thực, bạn có thể trả tiền để thay thế logo nhà mạng của mình bằng một hình ảnh khác. Đó có thể là ảnh logo hãng xe, hay một dòng chữ vui vẻ nào đó.
Túi đựng điện thoại đeo thắt lưng
Khi mà kích thước một chiếc điện thoại ngày ấy là cực kỳ không thoải mái để nhét vào túi quần thì nhiều người chọn cách mua một túi đựng đeo thắt lưng, như túi đựng súng trong các bộ phim cao bồi, nhưng dành cho điện thoại.
May mắn thay, vào thời kỳ của Nokia 3210 thì điện thoại bắt đầu mỏng lại và lúc đó chỉ còn giới kinh doanh là sử dụng túi đựng để có thể nhanh chóng nhận những cuộc gọi quan trọng.
Snake
Ra mắt ban đầu trên Nokia 6110, trò chơi giết thời gian với đồ họa pixel đơn giản này đã cuốn hút mọi người với lối chơi cực kỳ gây nghiện và hóa ra nó thật sự “giết” nhiều thời gian hơn bạn nghĩ.
Chỉ là điều khiển con rắn đi theo hướng lên, xuống, trái, phải, để nó nuốt chửng những nút hình vuông, các chủ sở hữu điện thoại đã dành vô số giờ để nhìn chằm chằm vào màn hình.
“Nồi đồng cối đá”
Nếu bạn đánh rơi một chiếc smartphone hiện đại giá hàng chục triệu đồng, bạn có thể phải đối mặt với chi phí sửa chữa đắt đỏ. Tuy nhiên, những chiếc điện thoại của nhiều năm trước lại khiến người đánh rơi lo lắng vì một lý do khác: tốn tiền sửa lại nền bê tông. Ok, đùa thôi, nhưng những chiếc điện thoại ngày ấy thật sự rất “nồi đồng cối đá” và những thứ như sàn bê tông không phải là vấn đề khiến chúng có thể bị hư hỏng.
Bạn có thể làm rớt một chiếc Nokia 3310 xuống sàn bê tông mạnh đến nổi pin văng ra ngoài và sau đó chỉ cần gắn pin lại là tiếp tục sử dụng, tất nhiên sẽ có vài vết trầy xước nhưng chỉ là vậy thôi.
Các điện thoại cũ với cấu trúc hoàn toàn bằng nhựa và màn hình nhỏ thực tế rất khó bị phá hủy, miễn là chúng không bị rơi vào nước. Ngay cả khi đó, bạn vẫn có thể thử thủ thuật túi gạo như một biện pháp cuối cùng, thường sẽ đưa chiếc điện thoại yêu quý của bạn trở về từ bờ vực cõi chết vì linh kiện bên trong chúng khá đơn giản.
(Theo Trí Thức Trẻ, Techradar)
Điện thoại di động 80 năm trước trông thế nào?
Một bộ phim từ những năm 1940 cho thấy cách vận hành, sử dụng điện thoại di động khác xa hiện nay.