Ông Lavrov hôm 18/3 phát biểu trên đài RT: "Chúng tôi đã nêu rất rõ rằng, bất kỳ chuyến hàng nào vào lãnh thổ Ukraine mà chúng tôi cho là đang chuyên chở vũ khí, sẽ trở thành một mục tiêu tập kích hợp pháp".

{keywords}
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Politico

Hãng thông tấn Tass dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu Nga khẳng định, các hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga và Liên Xô sản xuất, vốn sẵn có ở một số nước NATO, không thể được chuyển sang những nước thứ 3 một cách hợp pháp.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/3, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho hay, nước này gần như mỗi ngày đều đọc thấy thông tin từ các nước phương Tây về những đợt vận chuyển mới vũ khí viện trợ cho Kiev.

"Gần đây nhất, Mỹ thông báo sẽ cung cấp gói trợ giúp quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, sớm nhất là trong tuần này. Họ chỉ đang đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột", ông Nebenzya nhấn mạnh.

Bất chấp việc các cơ quan tình báo của Anh và Mỹ đánh giá quân đội Nga đang bị chậm bước tiến công do sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine, Moscow tuyên bố các lực lượng của họ đang "siết chặt vòng vây" quanh thành phố cảng Mariupol, đông nam Ukraine.

Giới chức Mariupol ước tính, tới 80% các ngôi nhà trong thành phố đã bị phá hủy do các đợt không kích dữ dội của Nga. Khoảng 1.000 người vẫn còn mắc kẹt trong các hầm trú ẩn dựng tạm phía dưới một nhà hát bị phá hủy.

{keywords}
Hình ảnh các tòa nhà cao tầng ở Mariupol bị phá hủy trong khi hàng dài xe hơi chở người dân di tản hỏi thành phố đi lánh nạn. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, giao tranh đã lan tới trung tâm của Mariupol, nơi 350.000 dân thường đang phải vật lộn chống chịu tình trạng bị vây hãm với rất ít lương thực và nước uống còn lại. Nhà chức trách thống kê, gần 5.000 người đã được sơ tán khỏi đây trong ngày 18/3. Các cư dân kể đã nhìn thấy những thi thể người thiệt mạng dọc đường trong lúc trốn chạy khỏi thành phố.

Trong một thông điệp video mới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, nhà chức trách đã giải cứu được 130 người kẹt dưới tầng hầm của nhà hát bị bom đạn Nga san phẳng cách đây 2 ngày ở Mariupol. Song, những nỗ lực cứu hộ đã bị cản trở vì các dịch vụ xã hội trong thành phố bị sụp đổ hoàn toàn và nỗi sợ về các vụ oanh tạc của Nga trong tương lai. Moscow đã bác bỏ cáo buộc cố ý tấn công nhà hát và dân thường tại đây.

Cùng ngày, miền đông Ukraine tiếp tục hứng chịu các đợt không kích mới của lực lượng Nga. Tại thành phố Kharkiv, chính quyền địa phương cho biết một trường học cao tầng đã trúng đạn pháo, khiến một người thiệt mạng, 11 người bị thương và một nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Các tên lửa Nga cũng nhắm trúng một nhà máy sửa chữa máy bay ở thành phố miền tây Lviv, cách biên giới Ba Lan khoảng 80km. Các vụ nổ lớn rung chuyển thành phố từ sáng sớm, ngay sau khi những tiếng còi báo động có không kích rền vang.

Bom đạn trút xuống thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của 2 người và làm bị thương 6 người khác. Trong khi ở phía bắc thủ đô Kiev, một người thiệt mạng và 4 người khác bị thương sau khi những mảnh vỡ của một tên lửa Nga rơi xuống một tòa nhà chung cư.

Chính quyền Kiev thống kê, 222 người, bao gồm 60 dân thường và 4 trẻ em tại thủ đô đã bị giết chết kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự ở nước láng giềng ngày 24/2.

Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 6,5 triệu người ở Ukraine đang sống trong tình cảnh mất nhà cửa vì chiến sự, gần gấp đôi số người đã rời bỏ đất nước đi lánh nạn.

Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc tạo ra một quỹ đoàn kết để hỗ trợ các nhu cầu cơ bản của người dân Ukraine. Một quan chức EU tiết lộ, kế hoạch sẽ được đưa ra thảo luận tại một hội nghị của các lãnh đạo khối vào tuần sau.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine phát biểu trên AP rằng, nước này dự kiến sẽ mất nhiều năm để tìm kiếm và vô hiệu hóa mọi bom mìn do quân Nga dùng tấn công nhưng chưa phát nổ.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) điện đàm video trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 18/3. Ảnh: Nhà Trắng

Trong cuộc hội đàm video trực tuyến, kéo dài 1 giờ 50 phút với Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 18/3 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, các cuộc xung đột và đối đầu như đang diễn ra ở Ukraine "không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai", đồng thời khẳng định hai cường quốc có trách nhiệm phải đảm bảo hòa bình cho thế giới.

Người đứng đầu Bắc Kinh cũng phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt với lí do chúng chỉ khiến người dân đau khổ và có thể gây ra các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, "không thể cứu vãn" cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo Nhà Trắng, ông Biden cũng cảnh báo ông Tập về "các hậu quả" nếu "trợ giúp vật chất" cho Moscow tiến đánh nước láng giềng. Lãnh đạo chính phủ Mỹ ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho xung đột Nga - Ukraine.

Tuấn Anh 

Ukraine nói tiêu diệt 14.200 lính Nga, Moscow xác nhận chỉ huy không quân tử trận

Ukraine nói tiêu diệt 14.200 lính Nga, Moscow xác nhận chỉ huy không quân tử trận

Các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt 14.200 binh sĩ Nga kể từ Moscow tấn công nước láng giềng cách đây 3 tuần.