Mỹ tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi dịch Covid-19. Thống kê cho thấy, nước này đã có thêm 28.336 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cùng 2.109 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm ở Mỹ đang là 676.339 người, bao gồm 34.552 trường hợp tử vong. Cả hai số liệu này đều cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Bang New York, tâm dịch tại Mỹ, hiện ghi nhận hơn 16.000 ca tử vong. Thị trưởng New York Bill de Blasio đang kêu gọi chính phủ liên bang cứu thành phố này. Trong khi đó, tại cuộc họp báo hôm 16/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố hướng dẫn tái khởi động nền kinh tế Mỹ, cho rằng các tiểu bang nên mở cửa theo từng bước cẩn thận.

Tin tức Covid-19 sáng 17/4: Số ca tử vong ở Mỹ là 34.552 ca
Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp ở nhiều nước. Ảnh: Reuters.

Đứng ngay sau Mỹ về tổng số ca nhiễm Covid-19 là Tây Ban Nha, với 184.948 người. Trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này ghi nhận thêm 4.289 ca nhiễm mới. Nước này cũng có thêm 503 trường hợp tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng kể từ đầu dịch đến nay lên 19.315. Với số liệu này, số ca tử vong ở Tây Ban Nha hiện cao thứ ba thế giới.

Nước ghi nhận số ca tử vong cao nhì thế giới là Italia với 22.170 người, tăng thêm 525 người so với số liệu một ngày trước đó. Từng là tâm dịch lớn nhất ở châu Âu, hiện số người nhiễm tại quốc gia này là 168.941 người, thấp hơn nhiều so với Tây Ban Nha. Italia gia hạn phong tỏa toàn quốc tới 3/5, song cho phép một số loại cửa hàng mở lại hôm 14/4.

Pháp, Anh tiếp tục là các điểm nóng dịch Covid-19 tại châu Âu. Hiện tổng số ca nhiễm ở Pháp là 165.027, bao gồm 17.920 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 17.164 ca nhiễm mới và 753 ca tử vong. Anh có tổng số ca nhiễm là 103.093, và 13.729 người trong số đó đã tử vong. Nước này có thêm 4.617 ca nhiễm mới và 861 ca tử vong.

Chính phủ Anh hôm qua quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. “Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm bây giờ là nới lỏng lệnh hạn chế quá sớm”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raad cho hay.

Tại châu Á, hôm 16/4, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước kéo dài đến ngày 6/5. Trước đó, hôm 7/4, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo, Osaka và 5 tỉnh.

“Các khu vực được ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ mở rộng từ 7 tỉnh, thành lên toàn bộ các tỉnh trong cả nước", ông Abe tuyên bố hôm qua.  Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép các thống đốc yêu cầu người dân ở trong nhà và các doanh nghiệp đóng cửa. Tuy nhiên, không có cơ chế thực thi và không có hình phạt nào đối với người không tuân thủ.

Theo số liệu mới nhất của Worldometers, Nhật hiện có 8.626 ca nhiễm Covid-19 và 178 trường hợp trong số đó đã tử vong. Truyền thông Nhật hồi đầu tuần dẫn một nghiên cứu mật của Bộ Y tế nước này dự đoán son số người thiệt mạng do đại dịch Covid-19 ở Nhật Bản có thể lên đến 400.000 ca, nếu không áp dụng những biện pháp ngăn chặn.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai khu vực châu Á với 77.995 ca nhiễm và 4.869 ca tử vong. Nước này hôm 16/4 ghi nhận thêm 1.606 ca nhiễm và 92 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100 người.

Cũng trong ngày hôm 16/4, Indonesia đã “vượt mặt” Malaysia, trở thành vùng dịch lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Nước này đã ghi nhận thêm 380 ca nhiễm và 27 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 5.516 và 496. Theo đó, Indonesia là nước có số người nhiễm Covid-19 cao thứ nhì Đông Nam Á, nhưng số ca tử vong lại là cao nhất.

Trong khi đó, Philippines tiếp tục là vùng dịch lớn nhất khu vực khi Bộ Y tế nước này hôm 16/4 báo cáo thêm 207 ca nhiễm và 13 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Philippines là 5.660 người, bao gồm 362 trường hợp đã thiệt mạng. Số ca tử vong của Philippines cao thứ nhì Đông Nam Á.

Malaysia cùng ngày ghi nhận thêm 110 ca nhiễm, nâng số ca nhiễm lên 5.182, trong khi số ca tử vong là 84 sau khi ghi nhận thêm một trường hợp. Chính phủ Malaysia đã tiến hành phong tỏa toàn quốc hôm 18/3 để ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài ra, Malaysia cũng ra lệnh đóng cửa mọi trường học trong hai tuần và cấm tổ chức các sự kiện đông người.

Cũng liên quan tới dịch Covid-19, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định hoãn cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít ở Moscow. “Những rủi ro liên quan đến dịch bệnh vốn chưa đạt đỉnh là cực kỳ cao. Tình hình này không cho tôi quyền bắt đầu chuẩn bị cuộc duyệt binh và những sự kiện đại chúng khác lúc này", ông Putin tuyên bố.

Tuy nhiên, ông cũng cam kết sự kiện bị hoãn nói trên sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. “Chúng ta chắc chắn sẽ tổ chức tất cả những sự kiện vốn đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 9/5. Sẽ có cuộc duyệt binh chính trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow và cuộc diễu hành của trung đoàn bất tử. Các sự kiện chắc chắn sẽ diễn ra", ông cho hay.

Theo thống kê của Worldometers, Nga hiện ghi nhận 27.938  ca nhiễm Covid-19, trong đó 232 trường hợp đã tử vong. Thủ đô Moscow là khu vực bị ảnh hưởng nhất ở Nga bởi dịch Covid-19. Thành phố này đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Dương Lâm