Sau khi Crưm nhanh chóng sáp nhập vào Nga, nhà cầm quyền ném một nguồn lực lớn tài chính và con người để tạo ra một khu vực mẫu và giành sự ủng hộ từ người dân đang chìm trong men say mừng vui.

Hôm thứ hai, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã thêm sức mạnh cho tuyên bố sở hữu bán đảo này của Nga bằng cách hội đàm về phát triển kinh tế xã hội trong khu vực với một nửa thành phần chính quyền Crưm.

{keywords}
Ảnh: Wordpress

"Không một người dân nào ở Crưm hay Sevastopol phải cảm thấy bất lợi từ việc gia nhập Nga, sẽ chỉ có lợi ích”, trang web chính phủ Nga đăng lời ông Medvedev.

Mặc dù giờ đây đã chính thức là một phần của Nga, nhưng Crưm vẫn phụ thuộc vào Ukraina khoảng 85% lượng điện cung cấp, 80% nước uống và phần lớn lương thực thực phẩm. Ông Medvedev đã phác thảo một số dự án cơ sở hạ tầng để chấm dứt sự phụ thuộc này.

Theo ông, để giải quyết vấn đề nước dùng, một hệ thống ống dẫn sẽ được xây dựng xuyên qua kênh Kerch dài 3,1km từ vùng lân cận Krasnodar. Các hồ chứa sẽ được xây dựng trên bán đảo Taman phía của Nga, trong khi xúc tiến khoan tìm nước ngầm.

Việc trông chờ vào lượng điện từ Ukraina có thể giảm bớt bằng cách xây dựng những cơ sở phát điện tại chỗ hoặc kết nối Crưm vào mạng lưới của Nga. Nhiều kế hoạch đã thiết lập nhằm hiện đại hoá hệ thống đường bộ, đường sắt bao gồm việc xây dựng cây cầu trực tiếp nối Crưm với Nga thông qua eo biển Kerch.

Tuy nhiên, chi phí cho các dự án này chưa được ước tính rõ ràng. Sơ bộ ban đầu sẽ cần tới nhiều tỉ đô la. Ông Medvedev vẫn yên lặng về vấn đề này trong chuyến thăm Crưm.

Khu vực mẫu

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, khoảng 240 tỉ rúp (6,8 tỉ USD) sẽ cần chi cho Crưm và Sevastopol riêng trong năm nay. Theo Bộ Giao thông Nga, cây cầu bắc qua eo biển Kerch - mà việc thăm dò xây dựng sẽ được tiến hành ngay trong năm nay - sẽ cần ít nhất 1,3 tỉ USD. Trước đó, Bộ Phát triển kinh tế ước tính, tổng cộng cần khoảng 5 tỉ USD cho việc hiện đại hoá cơ sở hạ tầng vận tải và du lịch của Crưm.

Việc chi tiêu mạnh tay của Nga đã gợi nhớ lại chuyện nước này không ngại ngần đổ tiền của vào Thế vận hội Olympic ở Sochi. Mở đầu cuộc gặp với Thống đốc vùng Krasnodar hôm thứ bảy, ông Medvedev khẳng định, mọi chú tâm của chính phủ hiện đang chuyển từ Sochi tới Crưm.

Một số nhà kinh tế học hoài nghi rằng, mọi thứ trong danh sách mà ông Medvedev tuyên bố đã được lên kế hoạch từ đầu. "Mọi thứ được tuyên bố cho Crưm, mục tiêu dường như là để chi nhiều nhất có thể”, Sergei Zhavoronkov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Gaidar cho biết.

Ông cho rằng, không cần thiết phải xây dựng mạng cáp điện ngầm qua eo biển Kerch hay các cơ sở phát điện trên lãnh thổ Crưm. "Nếu tuyên bố chủ quyền lãnh thổ giữa Nga và Ukraina được giải quyết, tư duy hợp lý là mua điện nước từ Ukraina để đổi lấy việc giảm giá xăng dầu, khí đốt”.

Các nhà phân tích năng lượng khác thì không đồng ý khi khẳng định, sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện từ Ukraina sẽ khiến Crưm dễ bị tổn thương về mặt chiến lược.

"Tuần trước, Ukraina đã cắt lượng cung cấp điện cho Crưm khoảng 50% và rõ ràng là, nhà cầm quyền nước này sẽ sử dụng sự phụ thuộc này của bán đảo để phục vụ cho các lợi ích chính trị của họ", Igor Yushkov, nhà phân tích tại Viện An ninh năng lượng quốc gia ở Moscow nói.

Theo Yushkov, sự độc lập năng lượng của Crưm sẽ đòi hỏi phải xây dựng hệ thống ống dẫn xuyên qua eo biển Kerch tới cơ sở phát điện địa phương.

Vladimir Sklyar, nhà phân tích tại ngân hàng Renaissance Capital của Nga ước tính, cần đầu tư từ 300 triệu - 10 tỉ USD tại Crưm để đảm bảo sự độc lập về năng lượng cho bán đảo này.

Theo Yushkov: “Đây là một quyết định chính trị… Nhà cầm quyền muốn tạo ra một khu vực mẫu, có nghĩa là nơi đây (Crưm) phải có một cuộc sống tốt hơn những vùng khác ở đông Ukraina và phải có nguồn điện riêng”.

Thái An
(theo moscowtimes)