RT dẫn lời cảnh báo của các chuyên gia, cho rằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga khiến Liên minh châu Âu tổn thất khoảng 16 tỉ USD, và có kéo châu lục này vào khủng hoảng.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Các sản phẩm bơ sữa từ EU chiếm thị phần khá lớn ở Nga. Ảnh: RIA |
Hôm qua, chính phủ Nga đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, gia cầm, cá, trái cây và các loại rau, phô mai, sữa và các sản phẩm khác từ EU, Mỹ, Australia, Canada và Na Uy trong vòng một năm.
Theo Eurostat, thương mại của EU phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu của Nga. Vygaudas Usackas – đại sứ EU tại Nga cho biết năm ngoái, Nga đã nhập khẩu thực phẩm của EU với trị giá tương đương 16 tỉ USD, tức là khoảng 10% tổng số hàng xuất khẩu của EU.
“Chúng tôi vẫn chưa phân tích cụ thể loại mặt hàng nào sẽ chịu trừng phạt, nhưng con số có thể lên tới 12 tỉ Euro (16 tỉ USD. Thực phẩm và hàng hóa chiếm tới 10% những gì chúng tôi xuất sang Nga” – ông Usackas nói.
Hiệp hội nông trại lớn nhất của Pháp là Liên minh các nhà khai thác Nông nghiệp Liên bang Quốc gia (FNSEA) cho rằng, việc Nga trả đũa các trừng phạt của phương Tây có thể đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng về thị trường.
“Nga sẽ tạm ngừng nhập khẩu, nhưng các sản phẩm không được xuất đi sẽ trở lại các thị trường châu Âu và tạo nên một tình huống khủng hoảng” - Xavier Beulin, chủ tịch của FNSEA, nhận định.
Hà Lan, Đức và Ba Lan hiện đang là các nước cung cấp thực phẩm nhiều nhất cho Nga trong khối EU. Năm 2013, Mỹ vận chuyển lượng thực phẩm trị giá 1,6 tỉ USD sang Nga.
Theo dữ liệu thương mại, Nga nhập khẩu 36,7% lượng thịt, 32,6% bơ sữa, trứng và mật ong, 30,4% rau, và 24,2% trái cây từ EU.
Với lệnh cấm mới của Nga, châu Âu có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa, đặc biệt là trái cây và rau. Năm 2012, Tây Ban Nha xuất sang Nga và Ukraina 100.000 tấn trái cây. Theo Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất trái cây Pháp (FNPF), khoảng một nửa số trái cây trên sẽ mắc kẹt trong thị trường châu Âu, nếu không xuất sang Nga.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu cho rằng cấm vận trên của Moscow sẽ không kéo dài lâu, vì Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ can thiệp. Nga gia nhập tổ chức này năm 2012.
Moscow nói rằng các cấm vận trên có hiệu lực trong vòng 1 năm, nhưng Kremlin có thể xem xét giỡ bỏ nếu như các đối tác phương Tây khởi động lại việc đối thoại với họ.
Trong bối cảnh Nga và phương Tây, Mỹ tung ra các đòn trừng phạt liên hoàn, những nước được lợi nhất lại là các quốc gia Mỹ Latinh.
Không nhập khẩu thực phẩm từ EU, Mỹ, Canada và NaUy, Nga sẽ tăng cường mua các sản phẩm thay thế từ thị trường Mỹ Latinh, đặc biệt là Ecuador, Brazil, Chile và Argentina.
Nga sẽ phải lấp đầy khoảng trống 8% trong các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ các thị trường truyền thống đang phải cấm vận.
Cụ thể, các loại thịt và bơ sữa từ Ecuador, Chile và Uruguay có thể sẽ xuất hiện trên các sạp hàng của Nga vào đầu tháng tới.
Nga cho biết thêm lệnh cấm vận có thể được mở rộng áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào có chính sách trừng phạt Nga, trong đó gồm có: Albania, Australia, Vương quốc Anh, Đức, EU, Iceland, Canada, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Moldova, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Mỹ, Ukraina, Pháp, Montenegro, Thụy Sĩ, Estonia và Nhật Bản.
Lê Thu