Truyền thông quốc gia của Nga và Trung Quốc đã nhân vụ cảnh sát Mỹ bắn chết một thanh niên da màu 18 tuổi không cầm vũ khí và biểu tình dai dẳng ở nước này để đáp trả những chỉ trích của Washington với chính phủ của họ.

{keywords}

Theo AP, báo giới Trung Quốc và Nga mô tả Mỹ là mảnh đất bất bình đẳng và là nơi mà cảnh sát có những kế sách tàn bạo.

Bạo động tại St.Louis, ngoại ô Ferguson thuộc bang Missouri diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đang căng thẳng vì vấn đề Ukraina và khi quan hệ Washington Bắc Kinh bị rạn nứt về cái mà Trung Quốc coi là chiến dịch cản trở nước này phát triển thành một cường quốc thế giới.

Cả Trung Quốc và Nga đều bị Mỹ chỉ trích vì hệ thống chính trị độc đoán, do đó, những sự kiện ở Ferguson là cơ hội tốt cho cả hai nước này đáp trả.

"Trung Quốc bị phương Tây chỉ trích nhiều tới mức khi có một việc gì đó như vậy xảy ra, thì đó là cơ hội thuận tiện để Bắc Kinh đáp trả", Ding Xueliang, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Khoa học và Công nghệ Hongkong nói.

Cái chết của Michael Brown, 18 tuổi, người da màu, bị một cảnh sát da trắng bắn chết hôm 9/8, đã châm ngòi căng thẳng sắc tộc tại khu ngoại ô Ferguson - nơi có chủ yếu là người da đen sinh sống trong khi cảnh sát phần đông là người da trắng.

Đối đầu bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình đã nổ ra tiếp theo đó. Hơi cay, lựu đạn gây choáng và lựu đạn tự tạo đã được hai bên sử dụng để tấn công nhau.

Một bài xã luận chua cay trên tờ Global Times của Trung Quốc hôm 19/8 viết, trong khi có một khoảng cách vô hình vẫn đang chia rẽ người Mỹ trắng và người Mỹ đen, các nước nên giải quyết vấn đề của mình theo cách riêng và không nên chỉ trích những người khác.

"Điều trớ trêu là Mỹ - với cách đồng hóa các nhóm thiểu số một cách bạo lực, không bao giờ ngớt buộc tội Trung Quốc và những nước khác như họ là vi phạm quyền của người thiểu số", tờ báo khổ nhỏ rất phổ biển của Trung Quốc viết. Global Times là một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo - tờ báo chính của đảng cộng sản Trung Quốc. 

Tân Hoa xã cũng có bài bình luận tương tự, đề cập tới tình trạng phân biệt chủng tộc dai dẳng ở Mỹ, vụ do thám của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ và những vũ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở nước ngoài.

"Rõ ràng là, những gì Mỹ cần làm là tập trung giải quyết vấn đề của chính mình thay vì chỉ tay vào người khác", Tân Hoa Xã viết.

Mỹ tập trung chỉ trích Trung Quốc về những vụ trấn áp các nhà hoạt động chính trị cùng với các chính sách mạnh tay với người thiểu số, đặc biệt là người Tây Tạng và cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo ở Tân Cương.

Trong khi đó, Washington chỉ trích Nga về việc không dung thứ cho những người bất đồng chính kiến. Gần đây, Mỹ cùng với EU áp đặt các trừng phạt với Nga vì sáp nhập Crưm, ủng hộ quân ly khai Ukraina.

Cả Trung Quốc và Nga đều đầu tư mạnh và các hãng tin được chính phủ kiểm soát để nêu đưa tin theo kiểu của mình.

Tại Nga, đài truyền hình quốc gia Rossiya đã nhấn mạnh việc dùng vũ lực để giải tán người biểu tình ở Ferguson, phát đi một thông điệp với người Nga rằng các lực lượng an ninh tại phương Tây cũng không kém phần tàn bạo hay cảm thông hơn với các cuộc biểu tình so với Nga. Việc bắn vào đám đông biểu tình dường như là cảnh báo nguy hiểm của việc cho phép người biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Giống Rossiya, đài truyền hình quốc gia CCTV đã gửi phóng viên tới Ferguson để đưa tin - một điều không thể có trong trường hợp bạo động xảy ra ở Trung Quốc. CCTV cũng đưa clip từ một chương trình trò chuyện trên truyền hình của Mỹ, trong đó chỉ trích hành động của cảnh sát và trích lời nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Phi là Richard Fowler rằng bất công bằng xã hội đang xấu đi.

Kênh Nước Nga ngày nay cũng phát buổi phỏng vấn với giáo sư đồng thời là người chỉ trích chính phủ Mỹ Mark Mason. Trong đó, ông Mason gọi cuộc biểu tình ở Ferguson là mầm mống của bất bình đẳng thu nhập và là kết quả của quân sự hóa lực lượng cảnh sát Mỹ.

  • Hoài Linh