“Mỹ và các vệ tinh ủng hộ quyết định của Washington nên quen với đồng Rúp”, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố trên kênh Telegram cá nhân hôm nay (25/5), theo Russia Today.
Ông Volodin cũng trích dẫn kinh nghiệm của Nga trong việc yêu cầu thanh toán bằng Rúp đối với các lô hàng khí đốt, để làm ví dụ cho thấy phương thức thanh toán nợ bằng đồng nội tệ Nga vẫn có thể phát huy hiệu quả.
Bộ Tài chính Nga cùng ngày cũng ra tuyên bố xác nhận rằng Moscow sẽ tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ trả các khoản nợ nhà nước của mình, bất chấp việc bị thắt chặt các hạn chế bên ngoài.
“Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ trong việc từ chối gia hạn giấy phép (trả nợ bằng ngoại tệ) … trước hết đã vi phạm quyền của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các công cụ thanh toán nợ của Nga, và làm suy yếu niềm tin vào các cơ sở hạ tầng tài chính của phương Tây”, Bộ Tài chính Nga cho biết, đồng thời tuyên bố cơ quan này "với tư cách là một bên đi vay có trách nhiệm, sẽ sẵn sàng tiếp tục phục vụ và thanh toán tất cả các nghĩa vụ nợ của mình".
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/5 thông báo sẽ không gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt để cho phép Nga thanh toán các khoản nợ nhà nước cho các nhà đầu tư Mỹ. Giới chức Washington nhận định, động thái này sẽ khiến Moscow rơi vào tình trạng "vỡ nợ về mặt kỹ thuật", kể từ thời điểm lệnh miễn trừ hết hiệu lực lúc 4 giờ 1 phút sáng giờ GMT (tức khoảng 11 giờ 1 phút sáng giờ Việt Nam) hôm 25/5.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã chỉ trích quyết định của Washington, nói rằng Nga phải đối mặt với một “tình huống giả tạo do một quốc gia không thân thiện tạo ra”. Ông Siluanov cũng lưu ý rằng, “tình hình hiện tại không giống với năm 1998, thời điểm Nga không có đủ tiền để trả các khoản nợ của mình”, và nhấn mạnh “chúng tôi có tiền và sẵn sàng trả”.
Hạn trả nợ tiếp theo của Nga sẽ rơi vào ngày 27/5, thời điểm nước này phải thanh toán lãi của hai loại trái phiếu trị giá 106 triệu USD, trong đó một loại chỉ cho phép trả bằng USD, Euro, Bảng Anh hoặc Franc Thụy Sĩ. Đến cuối tháng 6, Nga sẽ phải thanh toán tiếp số nợ tổng cộng gần 400 triệu USD.
Theo thông lệ, một quốc gia sẽ bị tuyên bố là "vỡ nợ" nếu không thể trả các khoản nợ trong vòng từ 15 đến 30 ngày kể từ thời điểm hạn chót phải thanh toán hết. Điều này sẽ gây tổn hại đối với uy tín của hệ thống tài chính ở quốc gia này, đồng thời các chủ nợ có quyền sử dụng biện pháp pháp lý để đòi quyền lợi.
Việt Anh