Tại Việt Nam, thị trường tài chính chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các Fintech với dịch vụ nổi bật là ví điện tử, hàng chục triệu ví được kích hoạt và đang hoạt động.

Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN Việt Nam) cho biết, thanh toán ví điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị trong giai đoạn 2017 - 2021. Việc phát triển của ví điện tử ở khía cạnh nào đó đã mang tới thêm sự lựa chọn cho khách hàng trong thanh toán điện tử.

Theo dữ liệu được PwC trích dẫn, thanh toán sử dụng ví điện tử ở Đông Nam Á đã lên tới 22 tỷ USD vào năm 2019 và được dự đoán sẽ tăng hơn 5 lần và vượt 114 tỷ USD vào năm 2025.

tai chinh so.jpg
Tài chính số kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tuy nhiên, sự phát triển của tài chính số kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn. Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã xuất hiện nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới như tiền ảo, tài sản ảo, các hình thức thanh toán, cho vay trực tuyến... 

Điều này khiến nguy cơ xuất hiện các hành vi tội phạm nói chung và hành vi tội phạm rửa tiền rửa tiền có cơ hội gia tăng đột biến. Do đó, giải pháp quan trọng là hoàn thiện các cơ chế, quy định về biện pháp phòng ngừa áp dụng với các đơn vị để hoạt động phòng, chống rửa tiền đạt kết quả cao.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các sản phẩm tài chính toàn diện này chú trọng hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Vì vậy, các sản phẩm này thường có tần suất và giá trị giao dịch nhỏ. 

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện, nhất là tài chính số sẽ phát sinh ra những rủi ro đi kèm, như mất an toàn, an ninh thông tin, tội phạm công nghệ cao, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố...

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới như tiền ảo, tài sản ảo, các hình thức thanh toán, cho vay trực tuyến... càng làm cho nguy cơ xuất hiện các hành vi tội phạm nói chung và hành vi tội phạm rửa tiền rửa tiền có cơ hội gia tăng đột biến. 

Vì vậy, các quy định trong Luật Phòng Chống rửa tiền năm 2022 cần được thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền một cách sâu rộng về ý nghĩa, biện pháp, nội dung, cách nhận diện các nghi vấn về hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các điều của Luật Phòng chống rửa tiền 2022 để các đối tượng quản lý, các cá nhân tích cực phát hiện và phòng ngừa các loại tội phạm.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các cơ quan chức năng, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Xây dựng... thành lập và triển khai hoạt động nghiêm túc, hiệu quả các đoàn kiểm tra, giám sát các cấp và liên ngành.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, để tiếp tục đưa sản phẩm tài chính toàn diện lan tỏa rộng rãi hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả thì cần tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống rửa tiền. 

Do đó, cơ quan quản lý phải liên tục rà soát các quy định hiện hành để đổi mới và hoàn thiện hỗ trợ đắc lực cho việc đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phòng chống rửa tiền cho các sản phẩm tài chính toàn diện.

Khánh Hòa và nhóm PV, BTV