Trên thực tế, không chỉ hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bán lẻ thông qua hệ thống của Napas cũng đáp ứng được mức độ tăng trưởng cực kỳ lớn trong thời gian vừa qua. 

Với dự kiến từ 4,8 tỷ giao dịch diễn ra trong năm nay, Napas đã chuẩn bị hạ tầng cho khoảng 8,4 tỷ giao dịch cho năm 2023.

Tuy nhiên, Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, thách thức cho ngành ngân hàng khi thực hiện chuyển đổi số là không ít.

Đầu tiên là hành lang pháp lý chưa đồng bộ. Thứ hai, việc phối kết hợp giữa các bộ, ngành, việc tích hợp khai thác và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị.

Ông Tuấn dãn chứng: “Ngành ngân hàng có thể khai thác cơ sở dữ liệu về quyền sử dụng đất của khách hàng, về các giấy chứng nhận của ngành Tài nguyên - Môi trường, từ đó giúp ngân hàng thẩm định, đánh giá được chặt chẽ hơn rất nhiều. Ngân hàng cũng có thể phối kết hợp với Bộ Công an khai thác dữ liệu từ CCCD để định danh một cá nhân... Nếu được như vậy thì sẽ rất thuận tiện trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.”

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN.

Một thách thức cũng rất lớn và rất khó là nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm nguồn lực tài chính lẫn nhân lực, công nghệ. 

“Chúng ta cần phải có tài chính để thực hiện, cần có những con người. Chúng ta không thể chỉ có những quyết định hay những kế hoạch để rồi nằm đấy.”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

NHNN phấn đấu trong năm 2023 sẽ hoàn thiện các dự thảo nghị định trình Chính phủ để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở top đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, 95% các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, rủi ro tội phạm công nghệ liên quan tới quá trình chuyển đổi số do ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng chú ý của tội phạm công nghệ với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn...

Để chuyển đổi số trở nên thiết thực hơn, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, cho biết, Chi nhánh TP.HCM đã xây dựng Kế hoạch về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. 

Theo đó, chi nhánh đã tổ chức các buổi làm việc với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, các công ty trung gian thanh toán, trao đổi trực tiếp với một số bệnh viện và TCTD để nắm bắt và xây dựng mô hình này. 

“Hiện nay, chi nhánh đã tổng hợp nội dung khảo sát, nghiên cứu, định hướng mô hình phù hợp và trong thời gian tới sẽ xây dựng mô hình để triển khai thí điểm với một số bệnh viện tại địa bàn TP.HCM”, ông Tuấn cho hay.

Về phía NHTM, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, chia sẻ, 6 tháng đầu năm ngân hàng thực hiện chính sách miễn toàn bộ phí quản lý và phí chuyển tiền trên kênh ngân hàng số Digibank, giúp hàng chục triệu khách hàng cá nhân tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng phí giao dịch mỗi năm, qua đó góp phần tích cực thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Vietcombank đang nghiên cứu số hóa toàn bộ quy trình cho vay khách hàng cá nhân nhỏ lẻ để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.  

“Trong thời gian tới đây, Vietcombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc đơn giản hoá và số hoá quy trình cho vay, qua đó tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và đầu tư”, ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Tuy nhiên, trong cuộc đua chuyển đổi số, không phải cứ ngân hàng lớn, nhiều tiền là có thể dẫn đầu. Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank - các ngân hàng thương mại cổ phần sẵn sàng đầu tư nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ một cách mau lẹ để chiếm ưu thế so với ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là ngân hàng 100% vốn nhà nước như Agribank, với trình tự, thủ tục đầu tư các dự án về công nghệ mất rất nhiều thủ tục và thời gian.

“Ngoài ra, khi các ngân hàng thương mại phát triển mạnh ứng dụng cho vay bằng phương tiện điện tử, sẽ là thách thức trực tiếp về tính hiệu quả và khả năng tồn tại của mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng lớn và số lượng cán bộ đông tại nông thôn của Agribank”, Chủ tịch Phạm Đức Ấn nói.

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV