Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước mới đây, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank), ông Hồ Nam Tiến đề xuất cần cân nhắc việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời bổ sung thêm đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào danh sách được hỗ trợ.
Ngoài ra, đại diện LPBank cũng kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ ban ngành ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về Tín chỉ Carbon và các lợi ích cụ thể đối với khách hàng khi tham gia Tín dụng xanh.
Hiện LPBank đã triển khai gói tín dụng dành riêng với hạn mức hơn 15.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ và khuyến khích khách hàng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội. Trong đó 9.600 tỷ đồng dành cho dự án Năng lượng xanh và 6.000 tỷ đồng cho các dự án Nông nghiệp xanh. Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh của LPBank là 10.909 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng ưu tiên tín dụng xanh nằm trong định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc dịch chuyển dòng vốn cho vay tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là khu vực được Đảng và nhà nước định hướng phát triển nhằm trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng hiệu quả, bền vững, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, ông Hồ Nam Tiến cho biết: “Các quy định về chính sách cho vay tín dụng xanh và các lợi ích cho khách hàng trong lĩnh vực xanh còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc mở rộng và phát triển đối tượng khách hàng. Do đó, Việt Nam cần sớm có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu xanh, và hưởng các ưu đãi về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.”
Tại toạ đàm khoa học “Hướng tới một tương lai bền vững: Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam – Hàn Quốc” ngày 25/9, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng khẳng định hệ thống các TCTD đã có sự thay đổi căn bản về nhận thức hướng tới hoạt động bền vững. Nhiều TCTD, trên cơ sở quy định của NHNN, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Đến cuối năm 2023, 100% các NHTM đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; 17 NHTM có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.