LỜI TÒA SOẠN:

Bão số 3 Yagi với cường độ mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, sinh kế và tâm lý người dân.

Giữa những ngày bão lũ triền miên, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã hướng về đồng bào bị thiệt hại với tinh thần “tập trung hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất” cả về vật chất và tinh thần.

Và nay, tinh thần “tái thiết nhanh nhất” lại được gấp rút triển khai ở những vùng bão lũ tàn phá.

Con số thiệt hại do bão số 3 Yagi được thống kê vẫn tăng lên không ngừng. Nhưng nhiều nông dân đã nhanh gạt đi nước mắt, tạm quên đi những khoản tiền tỷ đã mất, để bắt tay vào khôi phục sản xuất cùng sự hỗ trợ của địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp.

Mất trắng hàng chục nghìn tỷ đồng

Hơn 10 ngày nay, tại khu vườn trồng cam, bưởi rộng 10ha của ông Nguyễn Văn Hữu (thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang), hàng chục nhân công lao động được thuê, miệt mài cắt tỉa cành cây gãy đổ, thu gom quả rụng. Những bao tải chứa đầy cam, bưởi lần lượt được đưa ra khỏi vườn, bán cho dân buôn với giá chỉ 2.000 đồng/kg.

“Cũng may chưa bị rụng hết sạch, cây vẫn còn quả”, ông Hữu nói với PV VietNamNet. Khu vườn đồi của nhà ông nằm giữa “thủ phủ” cây ăn quả Lục Ngạn, mỗi năm cho sản lượng trên dưới 300 tấn cam, bưởi. Tầm này năm ngoái, cây nào cũng sai trĩu quả. Đến tháng 10, tháng 11, cam và bưởi chín vàng rực cả khu vườn. Đây cũng là thời điểm ông đón nhiều đoàn khách du lịch tới tham quan vườn cây ăn trái nhất.

W-ngap lut 18.jpg
Vườn cây quất của một nông dân ở Văn Giang (Hưng Yên) gần như bị chết hết sau bão lũ. Ảnh: Thạch Thảo

Năm nay, mọi dự định đều bị chậm lại một nhịp. Bởi, sau vài tiếng đồng hồ bão quét qua, cảnh tượng ông Hữu nhìn thấy là cả 100 tấn cam, bưởi rụng la liệt dưới gốc, cành cây gãy đổ ngổn ngang. Mới đầu, ông khá sốc. Bởi, chỉ so với giá bán của vụ mùa trước, gia đình ông đã thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Nhưng ngay sau đó, ông thuê người cắt tỉa cành gãy, dọn sạch quả rụng trong vườn để đón khách du lịch.

“Việc khôi phục vườn cây vẫn đang tiến hành. Tôi cũng đã đón vài đoàn khách du lịch tới tham quan trong những ngày qua, song đều miễn phí. Dự kiến, đầu tháng 10 này mới thu phí vào vườn”, ông Nguyễn Văn Hữu chia sẻ.

"Cộng cả 3 khu vực sản xuất, thiệt hại của HTX Rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) khoảng 20 tỷ đồng, trong đó riêng cơ sở hạ tầng là 15 tỷ đồng", chị Trần Thị Thu Trang - Phó Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng buồn rầu nói. Chị Trang cố gắng gượng dậy, cùng mọi người dọn dẹp khu nhà màng, nhà lưới bị đổ sập và chuẩn bị đất trồng rau ngoài trời để “lấy ngắn nuôi dài”.

Tại vựa nuôi trồng thuỷ sản Vân Đồn (Quảng Ninh), ông Đặng Trung Hội không nghĩ sẽ có ngày tài sản lớn của gia đình bị cuốn phăng theo thiên tai.

Ngoài con số hơn 1.000 dây nuôi trồng hàu trên bè ở khắp các xã của huyện Vân Đồn, gia đình ông Hội còn có nhiều lồng bè nuôi cá song, cá vược sắp đến độ thu hoạch. Thế nhưng, bão số 3 quét qua, dây nuôi hàu, lồng bè nuôi cá không còn thứ gì nguyên vẹn.

IMG_17842D3B7535 1.jpeg
Ông Hội đứng nhìn khu nuôi trồng thuỷ sản nay chỉ còn ngổn ngang những chiếc phao nhựa. Ảnh: Phạm Công

“Trước khi bão đổ bộ, tôi đã cho người làm kéo hết dây hàu về khu tránh trú của huyện”, ông cho hay. Những tưởng đã an toàn, song cơn bão quá khủng khiếp, sóng lớn dồn dập làm đứt toàn bộ dây hàu, lồng bè cũng tan tành. Một tàu composite bị đánh chìm, một tàu gỗ bị cuốn trôi mất và nhiều phương tiện phục vụ nghề nuôi hàu bị hư hại nặng.

Cứ thế, chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ bão càn quét, toàn bộ gia sản khoảng hơn 20 tỷ đồng của gia đình ông Hội đã bị nhấn chìm xuống biển sâu.

Mấy ngày nay, ông cùng mọi người đi dọn dẹp, vớt vát lại ít đồ còn tái sử dụng được. “Thiệt hại là vậy nhưng tôi sẽ không dừng lại được. Bởi, sau lưng tôi còn rất nhiều nhân công cần công việc để nuôi sống gia đình”, ông Hội tâm sự. Thế nên, ông rất mong sớm được vay vốn theo chính sách hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục sản xuất dù biết sẽ không còn quy mô lớn như trước đây.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở xã Hạ Long (Vân Đồn) cũng trắng tay sau 30 năm theo nghề nuôi trồng thủy sản trên biển. Ông Thành có 150 ô nuôi cá song, cá vược sắp đến thời điểm thu hoạch thì cơn bão quái ác ập tới và rồi mọi thứ tan tành. Nhìn tài sản trôi đi, thất thoát, ông lực bất tòng tâm, chưa biết bắt đầu lại từ đâu.

Cách đây chưa lâu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đã được ông đem thế chấp để vay vốn phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Hiện ông không biết bấu víu vào đâu khi trong tay chẳng còn tài sản nào thế chấp để vay tiếp vốn khôi phục sản xuất. “Rất mong được Nhà nước hỗ trợ, được ngân hàng hoãn nợ, cho vay thêm. Như vậy, chúng tôi mới có cơ hội làm lại từ đầu”, ông nói.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn, ước tính bão số 3 gây thiệt hại khoảng 32.112 tấn thủy sản đến kỳ thu hoạch. Đó là chưa kể 2.000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại dự kiến đối với nuôi trồng thủy sản của người dân trên địa bàn huyện lên tới 2.200 tỷ đồng.

Báo cáo của các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 23.595ha, 4.592 lồng bè hư hại và cuốn trôi. Ước thiệt hại ban đầu về nuôi trồng thủy sản lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Hơn 200.000ha lúa bị ngập úng gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng; còn rau màu, cây ăn quả bị hư hại và gãy đổ gây thiệt hại khoảng 1.250 tỷ đồng. Người chăn nuôi gia súc gia cầm cũng bị thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho hay, đây mới chỉ là thiệt hại ước tính sơ bộ đến ngày 18/9. Các địa phương vẫn đang cập nhật và con số thiệt hại sau bão mà người nông dân phải gánh chịu vẫn không ngừng tăng lên.

Dồn lực “tiếp sức” cho nông dân

Ngay sau bão, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, Quảng Ninh đã khẩn trương, bắt tay ngay vào khắc phục, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất. Tỉnh đã lập tức cấp bổ sung cho các địa phương khoản kinh phí hỗ trợ đợt 1 là 180 tỷ đồng, thực hiện cơ cấu lại nguồn chi 2024, dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh này đã gửi văn bản cho các ngân hàng, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong đó, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn và hoãn nợ cho các khách hàng đang vay. Kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng thụ, hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục, triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp.

Theo ông Huy, thiệt hại của người dân, doanh nghiệp là vô cùng nặng nề, rất cần sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng.

w thuy san 20911.jpg
Khu nuôi trồng thuỷ sản tại Vân Đồn bị bão đánh tan tành, nông dân mất trắng tài sản, gánh khoản nợ lớn tại các ngân hàng. Ảnh: Phạm Công

Tại hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão, ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sắp tới phải thực hiện để khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu NHNN, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, quan điểm chỉ đạo của ngành ngân hàng thể hiện tinh thần và trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Các ngân hàng thương mại bằng chính nguồn lực từ lợi nhuận của mình, nỗ lực tiết giảm chi phí để miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tùy theo năng lực, ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, kịp thời, đúng đối tượng, đồng hành với khách hàng.

Ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng giám đốc NHCSXH - cho hay, nhà băng sẽ thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9/2024). Thời hạn thông thường tối đa là 12 tháng đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tối đa 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản cho vay trung và dài hạn.

Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn của các địa phương, NHCSXH sẽ xây dựng phương án bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, cân đối nguồn vốn thực hiện để trình cấp thẩm quyền quyết định trong tháng 10/2024 với dự kiến bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng.

IMG_6B6624B2A124 1.jpg
Nhiều nông dân mong muốn được hoãn, giãn nợ và tiếp tục được vay vốn để phục hồi sản xuất. Ảnh: Phạm Công

Trong khi đó, lãnh đạo Agribank thông tin, đối với chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3, riêng các khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9-31/12; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9-31/12.

Ngoài những kiến nghị về hoãn, giãn nợ,… các thứ trưởng Bộ NN-PTNT phụ trách từng lĩnh vực cũng thực hiện họp với các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, con giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi…

Vừa mới đây, tất cả doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán giống, các loại vật tư nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ gần 200 tỷ đồng bằng tiền mặt, thức ăn, con giống, cây giống,… để “tiếp sức” cho người nông dân bị thiệt hại có thể phục hồi sản xuất. 

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, có những người dân nuôi giấc mơ nuôi biển, giấc mơ đổi đời suốt hàng chục năm, nhưng rồi tất cả những nỗ lực ấy đã tan biến chỉ trong chốc lát. 

Chúng ta cũng chứng kiến những trang trại chăn nuôi lớn chịu tổn thất nặng nề; những cánh đồng lúa ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình bị thiệt hại ngay trước khi thu hoạch. Rau màu vốn là niềm tự hào của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thì nay cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân mà còn đến cả một cấu trúc, một ngành hàng.

Bộ NN-PTNT đang tiếp tục thống kê chi tiết các thiệt hại, đồng thời tìm mọi cách triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông qua Nghị quyết số 143/NQ-CP để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất. Bởi, dù mất mát thế nào, nông dân cuối cùng vẫn cần có sinh kế tiếp tục cuộc sống.

“Tôi mong rằng tinh thần sẻ chia của các doanh nghiệp, cộng đồng và toàn thể người dân Việt Nam sẽ là điểm tựa vững chắc cho bà con và các doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề sau cơn bão Yagi. Mỗi người, mỗi tổ chức hãy cố gắng đóng góp một phần nhỏ bé của mình hỗ trợ nông dân, để bà con có thể khôi phục sản xuất”, Bộ trưởng Hoan nói.