Thế hệ trẻ ngồi "ghế nóng"
Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng SCB vừa công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Trương Khánh Hoàng sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc SCB từ ngày 15/5, thay cho ông Jeremy Chen.
Chỉ trong 10 tháng qua, ngân hàng này đã liên tiếp thay 3 quyền tổng giám đốc.
Không chỉ SCB, nhiều ngân hàng cũng thay đổi nhân sự "ghế nóng" ngay trước, trong và sau mùa họp đại hội cổ đông năm nay. Và một điểm chung của các ngân hàng vừa thay tướng là nhân sự thuộc thế hệ sinh năm 8X.
Trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí, phía SCB không tiết lộ năm sinh cụ thể của tân quyền Tổng Giám đốc Trương Khánh Hoàng nhưng cho biết anh thuộc thế hệ những lãnh đạo trẻ 8X.
Nhân sự cấp cao ngành ngân hàng thay đổi chóng mặt thời gian gần đây (Ảnh minh họa). |
Hay như bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine, vừa được bầu làm Chủ tịch hội đồng quản trị Kienlongbank. Bà Hằng sinh năm 1985, bắt đầu tham gia HĐQT Kienlongbank từ tháng 1 năm nay trong vai trò thành viên HĐQT và chính thức làm chủ tịch ngân hàng vào ngày 26/5 tới.
Trước đó, thị trường ngân hàng đồn đoán ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sunshine Group, người vừa đề cử vào danh sách bầu cử bổ sung thành viên HĐQT Kienlongbank sẽ ngồi "ghế nóng" chủ tịch ngân hàng này.
Tính đến tháng 1 năm nay, bà Thu Hằng nắm giữ hơn 15,3 triệu cổ phiếu KLB, chiếm 4,75% vốn điều lệ ngân hàng.
Như vậy, chỉ sau chưa đầy nửa năm bà Hằng nắm giữ KLB, giá trị cổ phiếu KLB thuộc sở hữu của bà Hằng tăng thêm 171 tỷ đồng.
Còn ông Dương Nhất Nguyên, sinh năm 1983, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) nhiệm kỳ 2021-2025.
Bóc tách lý do ngân hàng "thay máu" nhân sự
Việc các ngân hàng thay "ghế nóng" có thể gắn với chiến lược phát triển kinh doanh, nhưng cũng có thể sự chuyển giao quyền lực của các nhóm cổ đông.
Tại SCB, chỉ trong vòng 10 tháng qua, ngân hàng đã 3 lần thay đổi quyền tổng giám đốc. Việc bổ nhiệm ông Trương Khánh Hoàng hiện nay, theo lý giải từ ngân hàng là "nhằm góp phần củng cố thêm nguồn nhân lực giúp ngân hàng tiến xa hơn với chiến lược đã đề ra".
SCB hiện là ngân hàng có quy mô tổng tài sản nằm trong top 5 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hay như tại Kienlongbank và VietBank, người tiền nhiệm của hai vị tân chủ tịch hội đồng quản trị này đều chỉ tại vị vỏn vẹn 2 tháng.
Số liệu thống kê cho thấy, trong các phiên giao dịch từ ngày 29/10 đến 20/11/2020 đã có hơn 128 triệu cổ phiếu KLB của Ngân hàng Kiên Long được giao dịch thỏa thuận. Số cổ phiếu này tương đương khoảng 40% lượng cổ phiếu đang lưu hành của KLB. Kienlongbank có vốn điều lệ 3.237 tỷ đồng, hiện là một trong những ngân hàng có vốn thấp nhất trên thị trường.
Không lâu sau thương vụ khủng "128 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận", Kienlongbank đã bán toàn bộ 176 triệu cổ phiếu STB. Nhờ đó, lợi nhuận quý I của ngân hàng tăng đột biến.
Còn tại VietBank, ông Dương Nhất Nguyên không phải là gương mặt xa lạ trong ngành ngân hàng, bởi từ tháng 1/2013, ông đã vào Ban Điều hành VietBank với vị trí Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2013 đến nay, ông đã kinh qua nhiều chức vụ lớn khác tại VietBank như: Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Nhưng quan trọng hơn, ông Nguyên chính là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Việc ông Nguyên đảm nhiệm ngồi ghế chủ tịch VietBank được cho là biểu hiện của chiến lược phân vai cho các mảng, lĩnh vực kinh doanh của gia đình.
(Theo Dân Trí)