Cách đây 5 năm, khi nhận nhà mới, chị Yến thấy khoảng ban công còn trống trải nên nảy ra ý tưởng trồng cây cảnh vì mong muốn có một không gian sống tràn ngập sắc xanh.
Nghĩ là làm, chị tìm đến các khu chợ cây, tỉ mỉ chọn từng chậu, xem loài nào thích hợp trồng ban công rồi mua về chăm sóc.
Vì lần đầu chưa có kinh nghiệm, nhìn cây nào cũng muốn trồng nên chị Yến “khuân” về nhà đủ loại. Song, chỉ một thời gian ngắn, chị ngậm ngùi nhìn giàn cây xơ xác, thiếu sức sống rồi lụi dần vì không chịu được sức nóng từ nắng hướng Tây.
“Mình quên mất một điều quan trọng là diện tích ban công rất nhỏ, không phải cây nào cũng có sức chống chịu tốt để vượt qua được cái nắng mùa hè. Điều này đã tác động đến tâm lý mình nhiều lắm, buồn và hụt hẫng khi phải tự tay vứt bỏ các chậu cây hỏng đi”, chị Yến nhớ lại.
Sau lần đầu thử sức trồng trọt thất bại, chị rút kinh nghiệm. Thay vì chọn cây đẹp mắt theo ý thích, chị nhờ người bán tư vấn các giống cây cảnh phù hợp với điều kiện “chung cư cao tầng, ban công hướng Tây, mùa hè nắng gắt”.
Việc tham khảo ý kiến từ người bán không chỉ giúp chị dễ dàng lựa chọn những giống cây có sức bền, chịu được nắng mà còn học được cách chăm sóc sao cho đúng với từng loại cây.
“Từ ngày chọn được cách đi đúng hướng và kinh nghiệm trồng trọt lên tay, mình thấy mọi thứ trở nên tích cực hơn, cây mua về không còn lăn đùng ra chết như trước nữa, vui lắm”, gia chủ hài hước nói.
Đến nay, sau nhiều năm “tích tiểu thành đại”, chị Yến đã thành công “hô biến” góc ban công vỏn vẹn 4m2 thành khu vườn nhỏ xinh với hơn 50 chậu cây.
Trong đó, nhiều cây được chị trồng thành công ở ban công từ 5 năm trước như: Lan cẩm thạch (hay còn gọi là cây hạt dưa), cây đô la, lưỡi hổ, vảy rồng, trầu bà, ngọc ngân, hoa giấy, huệ mưa…
Ngoài ra, vào thời điểm cuối năm, chị còn bổ sung thêm nhiều giỏ hoa như: Dạ yến thảo, bạch chi tuyết, đèn lồng, cẩm chướng… và các loài hoa cúc để không gian tràn ngập sắc hương khi Tết đến, xuân về.
Hằng ngày, sau khi tập thể dục buổi sáng, chị lại ra ban công “khởi động” một vòng, nhặt lá úa hay cắt tỉa các cành thừa rồi tưới nước cho cây.
Mùa hè, vào những đợt nắng nóng đỉnh điểm, chị tưới nước thường xuyên, còn thông thường cứ 2 ngày bổ sung nước một lần. Riêng những cây như lưỡi hổ, kim tiền thì tuần tưới 2 lần vì chúng không ưa nước, tưới nhiều dễ bị úng, hỏng.
“Mỗi cây có một cách chăm sóc riêng. Ví dụ như cây lưỡi hổ chỉ nên tưới vào gốc, tuyệt đối không tưới từ ngọn xuống như các loại cây khác, để tránh làm ứ đọng nước trên thân khiến cây bị úng, chết. Hay hoa dạ yến thảo thì không tưới vào buổi tối, dễ sinh sâu bệnh”, chị Yến chia sẻ kinh nghiệm.
Mỗi tháng, chị chú ý bón phân hữu cơ cho cây một lần để cây có thêm dưỡng chất, giúp sinh trưởng tốt. Ngoài ra, chị cũng thay đất mỗi năm một lần, đảm bảo giá thể không sâu bệnh và có đủ chất dinh dưỡng nuôi cây.
Nữ gia chủ đảm đang thừa nhận, việc tự tay mày mò trồng đủ loại cây từ những ngày đầu tiên cho đến khi sở hữu được một góc ban công xanh mát đem lại cho chị nhiều điều tích cực, không chỉ là một niềm vui.
“Mỗi ngày ra chăm cây, phát hiện cây này bật mầm mới, cây kia trổ bông… mình rất vui, vội khoe ngay với chồng con và những người bạn có cùng sở thích trên Facebook.
Góc vườn nhỏ ở ban công như một người bạn tâm giao của mỗi thành viên trong gia đình, nơi chúng mình có thể ngồi cùng nhau cả buổi vào những ngày cuối tuần để nghe nhạc, trò chuyện hay thưởng thức các món ăn ngon. Mình tâm niệm niềm vui, hạnh phúc luôn cần được vun trồng mỗi ngày tựa như việc mình chăm cây vậy”.
Ngoài ban công, nữ gia chủ cũng dành một góc nhỏ trong phòng khách để bài trí cây xanh, tạo cảm giác mát mẻ, bình yên và thư thái.
Ảnh: Yến Nguyễn