Khó khăn bởi dịch bệnh

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ở khối sản xuất khi phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đặc biệt, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ thị trường Trung Quốc đã làm cho một số ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ,… bị ảnh hưởng nặng.

Dịch bệnh cũng đặt là một vấn đề mà bấy lâu nay các địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, đó là các sản phẩm hỗ trợ công nghiệp, đặc biêt là các sản phẩm mang tính “tự cung tự cấp” để các doanh nghiệp không còn phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác nước ngoài.

Theo đại diện Sở Công thương Bình Dương, hiện trên địa bàn có gần 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNHT. Đứng trước những khó khăn về nguyên, phụ liệu trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn cung từ các đơn vị cung ứng trong nước.

Mặc dù, thời gian qua năng lực ngành CNHT của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy mới chỉ đáp ứng được từ 40-45% cho ngành dệt may, da giày; 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...

{keywords}
May mặc, da giày đang rất cần nguồn nguyên phụ liệu trong nước để thay thế nhập khẩu.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Bình Dương chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, việc một vài DN đầu tư sản xuất nguyên liệu không giải quyết được nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước vẫn là tiêu chí các DN may mặc xuất khẩu hướng đến, song hiện tỷ lệ đáp ứng vẫn thấp. Trong khi đó, những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì DN đều phải nhập từ nước ngoài mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, nhất là các thương hiệu lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19 như hiện nay rõ ràng đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong đó có CNHT. Tuy nhiên đây cũng có thể coi là cơ hội để các địa phương như Bình Dương tận dụng lợi thế, tạo thêm động lực bằng những chính sách hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực CNHT vốn đang còn rất nhiều tiềm năng phát triền.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNHT, trong đó ngành dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ 953 doanh nghiệp, cơ khí 710 doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ kịp thời từ địa phương

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu cụ thể; đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi thuế quan tốt hơn đối với các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu và CNHT mới có thể giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Tại Bình Dương, ngành CNHT những năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, để phát triển CNHT bền vững, địa phương này vẫn đang nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp CNHT phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Hiện Bình Dương đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho ngành CNHT. Cụ thể, Sở Công Thương Bình Dương đang triển khai Đề án Phát triển ngành CNHT nhằm tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý nhằm kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT tại địa phương.

Trong đó, trọng tâm xây dựng Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Bình Dương đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển CNHT; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp CNHT và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Ngoài ra, để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành CNHT, Bình Dương cũng nghiên cứu và phát triển riêng một khu công nghiệp (KCN) tại huyện Bàu Bàng với diện tích trên 1.000 ha, đồng thời xây dựng danh mục chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực CNHT.

Hoàng Hiệp