Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định thành công đó có sự đóng góp rất lớn của ngành Công Thương.

Hàng loạt mốc kỷ lục 

Đánh giá lại các kết quả làm được trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sản xuất công nghiệp tăng trên 9,8% vượt 0,8% so với kế hoạch được giao và vươn lên trở thành lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng trưởng trên 12%. Từ đó có thể khẳng định quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng.

Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp chúng ta có xuất siêu. Cán cân thương mại đạt thặng dư 7,2 tỉ USD  cũng là mức cao kỷ lục. Chính điều đó đã đóng vai trò to lớn trong việc góp phần vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Đ.T

Năm 2019, Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, muốn hoàn thành nhiệm vụ đó thì phải hết sức nỗ lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Kỳ vọng lớn từ các hiệp định thương mại tự do

Đối với các thỏa thuận thương mại quốc tế, năm qua cũng là một năm thành công với đóng góp to lớn của Bộ Công Thương khi Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và dự kiến đầu năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

“Việc tham gia CPTPP và EVFTA, sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn,  đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, một số mặt hàng dệt may và da giày” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tạo cơ chế thông thoáng cho xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sau việc cắt giảm mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vừa sẽ đi vào cả chất lượng cắt giảm.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh luôn là mục tiêu được Bộ Công Thương xác định xuyên suốt trong quá trình đổi mới hoạt động của ngành. 

Như vậy giới doanh nghiệp hoàn toàn có thể tin tưởng thời gian tới, Bộ Công Thương có thể sẽ còn tập trung đảm bảo cả chất lượng cắt giảm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân như chủ trương của Đảng và Chính phủ đã đề ra.  

“Với thành công liên tiếp 3 năm qua, Chính phủ tin toàn ngành Công Thương chỉ tiến không lùi. Năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% có sự đóng góp lớn của Bộ Công Thương. Điều đó nói lên các đồng chí biết tổ chức triển khai công việc, giữ lời hứa, lời nói hành động đi liền nhau. Nhiều việc quyết liệt hiệu quả thực sự” – Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

(Theo Lao Động)