Cần kéo dài thời gian giảm lãi suất, có gói hỗ trợ riêng
Ngày 28/9, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có buổi làm việc với hiệp hội và các doanh nghiệp hàng không để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành hàng không đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, số lượng chuyến bay và hành khách từ đầu năm 2021 đến nay giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch.
Các doanh nghiệp hàng không cũng nhận thức được phải tự nỗ lực trước khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài nên đã triển khai nhiều giải pháp để giảm bớt khó khăn, như chuyển nhượng bớt tài sản, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa...
Thời gian qua, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp hàng không, tạo ra những tác động tích cực cho ngành.
Doanh nghiệp hàng không kiến nghị kéo dài thời gian giảm lãi suất để có cơ hội phục hồi |
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 lớn hơn dự kiến nên ngoài các giải pháp đã được ngành ngân hàng triển khai, ông Bùi Doãn Nề đề nghị ngành ngân hàng áp dụng cơ chế tái cấp vốn với lãi suất 0% như áp dụng với Vietnam Airlines. Cùng với đó, cho phép hãng hàng không thuộc Hiệp hội vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng với lãi suất 3-4%/năm và thời gian vay là 3-4 năm.
Để các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đại diện Bamboo Airways đề nghị, các giải pháp giảm lãi suất của ngành ngân hàng nên kéo dài đến hết năm 2022. Đồng thời cho phép các hãng bay được vay thêm các khoản vay mới.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines kiến nghị: Cần có một cơ chế tổng thể để hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với thực tế của các hãng (không có tài sản bảo đảm, thời gian hồi phục kéo dài...). Các doanh nghiệp hàng không cũng cần các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất, được duy trì hạn mức tín dụng...
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị các giải pháp giảm lãi suất của ngành ngân hàng nên kéo dài đến hết năm 2022, đồng thời cho phép các hãng bay được vay thêm các khoản vay mới.
Trong khi đó, đại diện VietJet Air kiến nghị các ngân hàng nới room, cho vay với lãi suất thấp, gia hạn thời gian trả nợ cho ngành hàng không.
Cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các tổ chức tín dụng (TCTD), đến nay, tổng dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng.
Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm, với số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng và doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không, phía ngân hàng còn hỗ trợ cho cả hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không. Tính đến nay, dư nợ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không tại Vietcombank là 16.000 tỷ đồng. HIện Vietcombank đang cho các doanh nghiệp hàng không vay với lãi suất rất thấp.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, ngân hàng sẵn lòng hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp hàng không nếu Ngân hàng Nhà nước nới giới hạn tín dụng.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động và sẵn sàng thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không. Các đơn vị cần tiếp tục bám sát tình hình, lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời có các điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và đảm bảo an toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng cho TCTD để cho vay thêm với các doanh nghiệp trong ngành hàng không.
Với các nội dung vượt thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với TCTD cho vay các hãng hàng không), Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ về chủ trương và đề nghị các bộ, ngành như Bộ Giao thông - Vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.
Đối với các TCTD, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị tập trung tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tín dụng từ nay tới cuối năm. Đề nghị các TCTD tiếp tục cơ cấu lại nợ theo tinh thần tích cực nhất, sử dụng tối đa thời gian được quy định trong Thông tư 14 cho tất cả khoản vay. Nếu tới ngày 30/6/2022 còn những khó khăn do khách quan và cần thiết có hỗ trợ thì sẽ xem xét để có điều chỉnh phù hợp.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu TCTD “chủ động và có sự mạnh dạn nhất định” trong việc cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Hà Giang