Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; theo đó ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp có trách nhiệm.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Dự kiến hết năm 2023, cả nước có 20.357 Hợp tác xã (HTX). Năm 2023, doanh thu bình quân của 01 HTX nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra. 

Ông Thịnh cho biết, giải pháp và cơ chế chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển bền vững có thể kể đến việc tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Nghị quyết số 106/NĐ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ), với mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…”. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.

Cùng với đó là phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng các Văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX; xây dựng Nghị định HTX; tham mưu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi tại các Quyết định ban hành chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; Triển khai các chính sách, đề án, dự án, kế hoạch ưu tiên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ban hành “Sổ tay hướng dẫn liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”; xuất bản Sổ tay “Hướng dẫn về tiêu chí và Phương thức xây dựng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và tham gia liên kết theo chuỗi giá trị nông, lâm thủy sản”. 

W-7-nong-san-sach-thanh-hoa-1.jpg
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chú trọng, quan tâm thực hiện chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và cho người dân.

Đến nay, cả nước thực hiện các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 4 tác nhân tham gia liên kết có 286 tổ chức khoa học, 686.445 hộ nông dân, 4.228 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 2.167 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định Nghị định 98, với 1.250 HTX nông nghiệp tham gia. 

Ngoài ra, Bộ cũng tham mưu Chính phủ ban hành Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của HTX nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: Nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại nhằm phát triển bền vững các HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL; phấn đấu đến năm 2025 mỗi tỉnh có từ 03-05 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng…; Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Đề án đã đưa ra các nội dung, giải pháp phát triển triển các vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các HTX nông nghiệp trong việc kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong lĩnh vực Chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chú trọng, quan tâm thực hiện chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và cho người dân trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng các mục tiêu chính phủ đề ra, đặc biệt là mục tiêu: “Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng”. 

Bộ đã và đang thực hiện các hoạt động chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp như: Tập huấn nâng cao nhận thức cho trên 1.400 cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm và phần mềm kế toán HTX, giúp thực hành tư duy “kinh tế nông nghiệp và kế toán; Triển khai sàn giao dịch điện tử tiêu thụ sản phẩm cho HTX…; Xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng…

Ngọc Minh và nhóm PV, BTV