Còn nhiều khó khăn

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND, ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh (KD) trên nền tảng số, KD thương mại điện tử (TMĐT), Cục Thuế tỉnh đã có công văn đề nghị phối hợp cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân KD TMĐT gửi tới: Chi nhánh Viettel Quảng Bình, Bưu điện tỉnh, Sở Công thương... để thu thập thông tin về hoạt động KD trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT. Qua đó, Cục Thuế tỉnh đã thu thập thông tin liên quan các trường hợp có phát sinh hoạt động TMĐT gửi cho các chi cục Thuế yêu cầu rà soát, quản lý thuế.

Từ kênh thu thập thông tin của Cục Thuế tỉnh qua Sở thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Viettel Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh có 602 trường hợp có phát sinh hoạt động TMĐT. Ngành Thuế tỉnh đã thực hiện rà soát 399 trường hợp (trong đó, có 135 trường hợp đã quản lý thuế, 264 trường hợp không hoạt động, không KD, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch-Ba Đồn đã rà soát và đưa vào quản lý 1 cá nhân với số thuế 300.000 đồng/tháng; Chi cục Thuế khu vực Đồng Hới-Quảng Ninh cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm về thuế đối với 1 cá nhân với tổng số tiền truy thu và tiền phạt là 3,6 triệu đồng.

Quảng bình 2.jpg
Ngành Thuế tỉnh đẩy mạnh rà soát, thu thập thông tin các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn.

Theo Cục Thuế tỉnh, công tác quản lý thuế TMĐT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Phần lớn các cá nhân KD TMĐT đều không tiến hành đăng ký KD, thông tin được cung cấp chưa chính xác, không có địa điểm giao dịch cố định, một số trường hợp liên lạc qua điện thoại chưa phối hợp, gây khó khăn rất lớn cho cơ quan thuế trong việc quản lý đối tượng. Thực tế hiện nay chỉ mới động viên, tuyên truyền các cá nhân tự giác thực hiện việc đăng ký thuế.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 sàn giao dịch TMĐT (thuộc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương) hoạt động. Các hộ KD đăng ký tham gia cung cấp hàng hóa dịch vụ thông qua sàn nhưng thực tế chỉ mới dừng lại ở mức quảng cáo sản phẩm dịch vụ, chưa thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện giao dịch mua bán trên sàn nên chưa quản lý được doanh thu thực tế để quản lý thu thuế. Vấn đề xác định doanh thu, thu nhập của các đối tượng KD TMĐT còn phức tạp và tính chính xác chưa cao.

Việc theo dõi, kiểm soát lượng hàng hóa, dịch vụ và doanh thu phát sinh của các hoạt động KD còn khó, chủ yếu dựa trên hóa đơn bán hàng và giao dịch thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát, gây khó khăn trong việc quản lý các hoạt động bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội.

Các hoạt động bán hàng thực hiện thanh toán chủ yếu vẫn là dùng tiền mặt qua mạng dưới hình thức thu hộ. Một số thanh toán qua ngân hàng thì tài khoản ngân hàng thường chưa đăng ký với cơ quan thuế nên cơ quan thuế còn gặp khó khăn trong quản lý kê khai, xác định doanh thu của các đối tượng KD TMĐT.

Tăng cường triển khai các giải pháp

Theo Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ngô Văn Thuận, để thực hiện tốt công tác quản lý thuế đối với hoạt động KD TMĐT, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tiếp tục thực hiện kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các ngành, đặc biệt là dữ liệu dân cư, dữ liệu TMĐT, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng... theo tinh thần Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.

Ngành Thuế sẽ tăng cường phối kết hợp với các ban, ngành có liên quan theo Chỉ thị số 05/CT-UBND, ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động KD trên nền tảng số, KD TMĐT và công văn số 1994/UBND-TH, ngày 26/10/2022 của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, KD trên nền tảng số.

Theo số liệu rà soát từ Tổng cục Thuế, trên địa bàn tỉnh có 1.990 hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động TMĐT. Trên cơ sở đó, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện rà soát 970 trường hợp; trong đó, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm là 934 trường hợp, cơ quan Thuế đã quản lý trong bộ thuế 36 trường hợp.

Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi cục Thuế thực hiện khai thác cơ sở dữ liệu do Tổng cục Thuế cung cấp để thực hiện rà soát các cá nhân tại địa bàn có thông tin giao dịch qua các sàn TMĐT để đưa vào quản lý thuế; yêu cầu các nền tảng TMĐT, các ngân hàng thương mại tại địa phương cung cấp thông tin liên quan đến các giao dịch thương mại, từ đó rà soát, nắm thông tin của các đối tượng có KD TMĐT trên các sàn giao dịch, các trang mạng xã hội để mời làm việc, hướng dẫn kê khai và đưa vào quản lý theo quy định; tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các cá nhân thường xuyên có hoạt động livestream bán hàng và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm để bảo đảm tính công bằng đối với NNT và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về thuế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cố tình không thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định.

Theo Lan Chi (Báo Quảng Bình)