Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh định hướng phát triển đất nước dựa trên chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột (công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số) là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Thực tế trong bối cảnh vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên gay gắt và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi sang nền kinh tế cácbon thấp là phương thức phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở thành yếu tố sống còn để Việt Nam tiến tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã quan tâm, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, dự án lớn về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) tài nguyên và môi trường, trọng tâm là CSDL quốc gia về đất đai, góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, các đơn vị ngành tài nguyên và môi trường đã quyết liệt, tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, vận hành Chính phủ, Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đạt được những kết quả rất quan trọng như cơ chế chính sách dần hoàn thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện CSDL của ngành đã có các chuyển biến quan trọng, đồng bộ, thống nhất; hạ tầng số, nền tảng số được hiện đại hóa, sử dụng chung; an toàn thông tin được bảo đảm…

Số hóa nghiệp vụ, giám sát môi trường 24/7

Không ngần ngại chia sẻ những yếu kém của ngành, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, công tác chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường đang còn những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác xây dựng chính sách, quy định cho chuyển đổi số còn chưa theo kịp thực tiễn; các quy trình làm việc nội bộ, hồ sơ, thủ tục chậm được chuyển đổi thực sự trên môi trường số, vẫn còn nhiều công việc gắn với giấy tờ. Đặc biệt, công tác xây dựng, hoàn thiện, khai thác, sử dụng CSDL tại Trung ương và các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng “đúng, đủ, sạch, sống”; chia sẻ, sử dụng dữ liệu còn hạn chế và còn có tình trạng cát cứ thông tin.

Theo đó, thời gian tới cơ sở dữ liệu ngành môi trường phải được cập nhật và giám sát 24/7 (khi được đầu tư các hệ thống quan trắc, trung tâm giám sát…); hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số theo hướng số hóa 100% nghiệp vụ nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin trong tình hình mới; đồng thời nguồn nhân lực thực thi, triển khai chuyển đổi số cũng cần được bổ sung đủ về số lượng, tinh về chất lượng.

Cung cấp thêm các thông tin của ngành, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Đến nay CSDL đất đai quốc gia đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần, gồm dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.

465715320_8854737784547810_2401423300953789968_n.jpg
Kinh phí cho duy trì vận hành các CSDL, hệ thống thông tin còn thiếu khiến dữ liệu ngành môi trường chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” được như kỳ vọng. 

Đối với CSDL đất đai địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL thống kê, kiểm kê đất đai và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương

Đã có 325/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL giá đất; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã.

Còn về CSDL nền địa lý quốc gia đã hoàn thành xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia phần đất liền; đã xây dựng hoàn thiện CSDL tài nguyên nước, môi trường; đã và đang tổ chức xây dựng hoàn thiện CSDL khí tượng thủy văn, địa chất và khoáng sản, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, viễn thám… Tuy nhiên ông Hà cũng thừa nhận, kinh phí dành cho chuyển đổi số nói chung, cho duy trì vận hành các CSDL, hệ thống thông tin còn thiếu khiến dữ liệu chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” được như kỳ vọng.