Lĩnh ấn tiên phong đổi mới

Sáng 12/1/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại thời điểm những năm 90, ngành Bưu điện đã được Đảng và Nhà nước giao trọng trách lĩnh ấn tiên phong đổi mới.

{keywords}
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT

“Thời đó, bưu điện đã mở ra cách làm mới, không tính toán trên những quy luật bình thường mà khơi dậy, đánh thức tiềm tàng, cố gắng đi tắt đón đầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ nhận định: “Bây giờ, dường như sức mạnh đấy lại lặp lại, khi thế giới nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số. Thực tế năm 2020 vừa qua, thêm một lần nữa, dường như chúng ta lại cảm nhận chúng ta có thể tìm ra những cách mới, có thể đi lên mạnh mẽ hơn, có thể đạt được những điều bình thường tưởng chừng không làm được”.

Phó Thủ tướng đặt ra một sứ mệnh mới: Khoảng 10 năm hoặc nhanh hơn là 5 năm nữa, trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới sẽ có Việt Nam. Nếu thành công thì thành công đó sẽ có dấu ấn của ngành TT&TT.

Về câu chuyện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng lưu ý: “Trước kia chúng ta thường chỉ làm từ cao xuống thấp, từ chỗ hiện đại xuống chỗ kém hiện đại hơn. Thế nhưng bây giờ, muốn chuyển đổi số nhanh, muốn làm chính phủ điện tử nhanh thì vẫn tiếp tục duy trì mũi từ trên xuống, nhưng đồng thời làm thêm cả mũi từ dưới lên, từ những chỗ khó khăn nhất”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, bây giờ muốn làm được chính phủ điện tử, chuyển đổi số, trách nhiệm của Bộ trên Trung ương cũng quan trọng, nhưng trách nhiệm, năng lực của địa phương còn quan trọng hơn.

“Làm Chính phủ điện tử, Chính phủ số bây giờ không khó như chúng ta vẫn tưởng. Chỉ cần chúng ta đồng lòng, quyết tâm, và nhận thấy nó giúp chúng ta minh bạch hơn với nhân dân, gần dân hơn, và giúp chính phủ, chính quyền các cấp vừa quản lý tốt, vừa phục vụ nhân dân, thì chúng ta chắc chắn sẽ làm được”, ông khuyến nghị.

Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp CNTT tích cực tham gia các chương trình của Bộ TT&TT, cùng ngồi với nhau tạo ra các nền tảng mở để sau này các doanh nghiệp khác cùng cài thêm ứng dụng vào, hình thành nên những nền tảng có lợi thế số đông người dùng. Việt Nam đã sáng tạo rồi, giờ có thể dùng lợi thế số đông để đi nhanh.

“Tài nguyên vô cùng lớn của Việt Nam là chúng ta có ngót 100 triệu dân, đủ để chúng ta có những bước nhảy vọt rất mạnh mẽ về CNTT. Muốn tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT triệt để, phát huy sự sáng tạo cùng quy mô dân số, quy mô thị trường. Việt Nam có thời cơ vào top những nước có nhiều sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước mà còn chen chân ra thế giới”, Phó Thủ tướng chia sẻ thêm, và tin tưởng những năm tới, ngành TT&TT sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần vào sự nghiệp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của đất nước.

Chuyển đổi số là đổi mới lần hai

Cảm ơn những lời phát biểu đầy tâm huyết của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm: “30 năm trước, ngành viễn thông đổi mới lần một, chuyển từ thế hệ thiết bị viễn thông tương tự sang thiết bị số, dẫn dắt và thực hiện bởi Tổng cục Bưu điện, sau là Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ TT&TT. Đổi mới lần hai này là chuyển đổi số, ngành TT&TT lại lĩnh ấn tiên phong một lần nữa, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Nhưng lần này thành hay bại là ở các địa phương, ở các ngành, tức là chuyển đổi số các địa phương, chuyển đổi số các ngành. Sự có mặt của lãnh đạo 30 ban, bộ, ngành trung ương, 56/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tại hội nghị hôm nay đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự quyết tâm đi đầu, đi nhanh về chuyển đổi số, với khát vọng thông qua chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Cũng theo Bộ trưởng, chuyển đổi số ngành là chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số địa phương là chuyển đổi số người dân. Đây cũng là việc khó nhất, vì thế cũng là việc hiệu quả nhất. Các nền tảng số toàn quốc của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng. Giờ là sự quyết tâm vào cuộc của các địa phương.

“Câu chuyện của Bến Tre, Ninh Bình, Bình Phước và nhiều địa phương khác đã khích lệ chúng ta đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, tiếp cận đột phá hơn nữa. Vì chỉ có như vậy, Việt Nam mới bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng của đất nước, của địa phương, trở thành tỉnh có thu nhập cao, quốc gia phát triển có thu nhập cao. Công nghệ số, chuyển đổi số, báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp này. Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Chúng ta lại lĩnh ấn tiên phong lần hai và thông qua đây sẽ định vị lại ngành TT&TT”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Bình Minh

 

Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số Bộ TT&TT giai đoạn 2021–2025

Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số Bộ TT&TT giai đoạn 2021–2025

Bộ TT&TT đặt mục tiêu Bộ thuộc nhóm 5 bộ, ngành, dẫn đầu về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, hình thành hệ sinh thái số trong Bộ, xây dựng thành công Bộ TT&TT số.