Việt Nam là 1 một trong 5 quốc gia xả chất thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường ở mức độ nghiêm trọng. Nhiều sản phẩm nhựa cần 400 – 500 năm mới có thể phân hủy. Rác thải nhựa khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, khi chôn lấp lại ảnh hưởng tới chất lượng đất và dinh dưỡng cho cây trồng.  

Thực hiện chương trình quốc gia về giảm thải rác thải nhựa, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh các giải pháp giảm thải rác thải nhựa trong ngành y. Hiện nay, các cơ sở y tế trực thuộc bộ đều thực hiện giảm thải rác nhựa, bảo vệ môi trường. Các giải pháp thực hiện trong chỉ thị 08/2019 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế giảm thải các loại rác nhựa trong sinh hoạt của nhân viên y tế, người bệnh. Tăng cường sử dụng các loại bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… thực hiện nghiêm quy trình xử lý, đóng gói sản phẩm bằng vật liệu thân thiện, phòng rò rỉ ra môi trường tự nhiên. 

Các bệnh viện hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, thân thiện đồng thời tập trung tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi nilon và các vật liệu từ nhựa trong bệnh viện.

rac thai y te 1.png
Tại Bệnh viện Bạch Mai, chất thải y tế được phân chia theo quy định. Ảnh: Khánh Chi. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện đã đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý rác thải y tế và xử lý chất thải lỏng y tế và  phân loại chất thải tại nguồn, xử lý phù hợp.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất miền Bắc. Mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị hàng chục nghìn bệnh nhân. Lượng rác thải của bệnh viện khoảng chục tấn mỗi ngày, trong đó khoảng 10% là rác thải nhựa. Công tác xử lý rác thải của bệnh viện luôn được ban giám đốc bệnh viện quan tâm.

Theo TS Trương Anh Thư – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện thực hiện tốt phân loại rác thải y tế thông thường từ nguồn như phân loại rác thải có thể tái chế được, tuyên truyền vận động cán bộ, nhân viên và người bệnh, người nhà hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Nếu như trước đây, các sản phẩm rác thải từ vỏ chai, nước uống đều lẫn với rác thải khác và mang đi chôn lấp, hiện nay việc phân chia từ nguồn sẽ giúp phân loại và mang đi tái chế.

Trong các cuộc họp của bệnh viện đều sử dụng cốc vật liệu sứ, thủy tinh thay thế nước uống đóng chai thông thường. Căng tin, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống trong bệnh viện cũng đều ưu tiên sử dụng khay inox, đồ bằng sứ, thủy tinh. 

Toàn bộ sinh viên của trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai được tuyên truyền và cam kết không sử dụng đồ nhựa như cốc nước, ống hút… để giảm thải rác nhựa.

Hành lang bệnh viện lắp đặt máy lọc nước để người bệnh, người nhà có thể lấy nước thay vì mua nước đóng chai và xả rác thải nhựa ra môi trường.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, ý thức của nhân viên y tế trong bệnh viện, người bệnh và người nhà của họ đã thay đổi nhiều. Các loại rác thải nhựa sinh hoạt thông thường trong bệnh viện giảm đáng kể.

Việc thực hiện phân loại rác thải tại bệnh viện triển khai những thùng rác, túi đựng theo đúng mã màu quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường về việc thu gom, phân loại chất thải y tế. 

Khánh Chi