Doanh thu 1 tỷ định giá 1.000 tỷ
Đưa ra thị trường Việt Nam từ năm 2010, khung xếp đa năng đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia với giá bán 7 triệu đồng/bộ sản phẩm. Hiện nó được phân phối qua website và Amazone. Khánh Trình bày tỏ mong muốn kêu gọi 5 triệu USD đổi lấy 10% cổ phần để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ông sẽ trích từ 20-30% để quảng cáo thương hiệu, số còn lại dùng vào sản xuất. Dự kiến, từ 3-5 năm tới Shark có thể thu hồi vốn. Startup này cho hay, thị trường tiêu thụ Amazone Mỹ chiếm 80%, lãi gộp 70%/bộ. Doanh thu trung bình trong nước chiếm khoảng 300 triệu, thị trường nước ngoài là 1 tỷ đồng.
“Việt Nam, Mỹ, Nigeria, Nam Phi và Úc. Dân số 5 quốc gia là 670 triệu người. Dự tính nếu chiếm được 1% thị trường thì có thể đạt doanh thu 670 triệu USD”, ông đánh giá.
Nhiều startup định giá quá cao so với doanh thu |
Tương tự như vậy, một startup khác có mức định giá không tưởng, đó là nữ kỹ sư công nghệ Kim Phụng và nữ sinh viên y khoa Hồng Nguyên với lời mời đầu tư 5,5 tỷ cho 5% cổ phần. Điểm đáng chú ý, startup này chưa thành lập doanh nghiệp nhưng chỉ dựa vào 3 sản phẩm, hai nhà sáng lập định giá doanh nghiệp ở mức 110 tỷ đồng.
Hồng Nguyên cho hay, nguồn thu đến từ 4 phần: thứ nhất cung cấp nhân sự y tế để label train AI model chuẩn đoán dữ liệu y khoa, cung cấp cho các thị trường chiến lược ở Canada, Campuchia và Thái Lan, thiết bị telemedicine, đồng hồ thiết bị đeo tay, cung cấp giải pháp số hóa cho các doanh nghiệp thông qua Cloud, AI, 5G, Blockchain. Nhờ sản phẩm trí tuệ được đăng kí ở Mỹ và Canada.
Startup cũng bày tỏ tham vọng gia nhập cuộc chơi ở hai nền tảng Mediacare Tech và Care Tech với những dịch vụ vươn ra toàn cầu.
Thùy Linh, đại diện một startup khác cũng mời 5 tỷ đồng cho 1% cổ phần công ty. Sản phẩm vẫn chưa chính thức tung ra thị trường nhưng đã tự tin định giá doanh nghiệp ở mức 250 tỷ đồng.
Thùy Linh giải thích hiệu suất lợi nhuận rơi vào khoảng 18%, tối đa 400 tỷ trong vòng 1 năm chia cho phí sử dụng vốn 6 tỷ/năm. Vì vậy, startup này định giá doanh nghiệp rơi vào khoảng 225 tỷ. Thùy Linh tự tin cam kết: “Theo dự tính, cuối năm thứ 2 chúng tôi có thể đạt được 400 tỷ doanh thu, cỡ 9 tháng là hòa vốn”.
Startup bị chê “ngáo giá”
Gọi 5 triệu USD cho 10%, tự định giá 45 triệu USD nhưng doanh thu chỉ đạt vài trăm triệu/tháng. Ông Nguyễn Hòa Bình ngay lập tức chỉ ra điểm định giá phi lý của startup: “Lợi nhuận của em hiện nay là 400 triệu/tháng, một năm lợi nhuận khoảng 6 tỷ. Doanh nghiệp của em định giá cao nhất chỉ được 30 tỷ. Đó còn chưa kể tính các chi phí rủi ro khác. Đừng “ngáo giá”.
Đánh giá mô hình của startup chưa chín muồi, chưa trúng long mạch mà đã lên gọi vốn với giá trị không tưởng ông Nguyễn Hòa Bình, một nhà đầu tư, đưa ra dẫn chứng: 92% startup trên thế giới ra đời bị chết trong ba năm đầu, 47% trong số đó làm những thứ mà xã hội không cần hoặc có cũng được mà không có cũng được.
Về dự án của nữ kỹ sư công nghệ Kim Phụng và nữ sinh viên y khoa Hồng Nguyên,nhà đầu tư Dzung Nguyễn lưu ý sản phẩm có nhu cầu thị trường, tuy nhiên startup chưa phân biệt được mình đang là công ty thực phẩm ứng dụng công nghệ hay công ty công nghệ cung cấp thực phẩm. Và mù tịt về các lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, đến khi startup chín muồi, nhà đầu tư có thể bắt tay cùng startup.
Ông Dzung Nguyễn thẳng thắn: “Quan trọng nhất khi khởi nghiệp là phải nhìn thấy bước đi cụ thể, anh thấy hai em đang mông lung như 1 trò đùa. Cái em nói nếu như chưa nghe bao giờ thì nghe rất hay nhưng với người hiểu biết, cái em nói rất chi là mơ mộng. Anh biết rằng cái em có chính là tuổi trẻ, cái anh có chính là kinh nghiệm nhưng nếu em đi sai, em sẽ mất tuổi trẻ, mất niềm tin. Và niềm tin đó sẽ làm cho em khó thành công”.
“Vị cá mập mới” khuyên startup: “Khi startup, chúng ta phải tính toán rất kỹ nếu không sẽ mất mát cực lớn. Tiêu chí thứ nhất, chúng ta nên tìm vào lĩnh vực nào đấy mà tiên phong trong đại dương xanh. Thứ hai, cần có sự khác biệt hoặc nếu không khác biệt phải cực nhiều tiền để đè chết các đối thủ trước.
Đông Sơn