- Có người sẵn lòng đi vay nợ đáp ứng yêu cầu của con. Muốn con uống sữa, học bài...thưởng vật chất... - là chiêu một số phụ huynh chọn mang đến cho con cuộc sống đủ đầy khiến người trong nhà cũng ngao ngán.
Chị Hương (Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự: Hai vợ chồng vừa mới gom góp tiền bạc cùng ông bà xây lại nhà nên chẳng còn đồng nào trong túi. Thế nhưng vì đã trót đồng ý với cậu con trai là thi học kỳ được 10 điểm sẽ thưởng cho món đồ chơi mà nó đang ao ước bấy lâu. Trước sự mè nheo, “nhắc nhở” liên tục của con, dù chưa đến kỳ lĩnh lương, chị cũng ngậm ngùi hỏi vay mẹ chồng một triệu để đưa con đi sắm đồ chơi.
Điều chị Hương lo lắng, có khi ra cửa hàng đồ chơi, chúng lại đòi mua
thêm cái này, cái khác nữa. Nếu mình không được đáp ứng bọn trẻ khóc
lóc ầm ĩ, không chịu về...
Ảnh minh họa |
Góp ý với chị không nên chiều quá, nhưng chị bảo: "Kiếm tiền vất vả thật đấy nhưng mình kiếm tiền cũng chỉ để lo cho con thôi. Nên cái gì con thích mà mình đáp ứng được thì sẵn lòng, kể cả đi vay."
Ngoài hứa thưởng đồ chơi khi con được điểm cao, chị còn liên tục dùng vật chất để dụ con ăn cơm, uống sữa, học bài. Chị kể, nếu con ăn hết bát cơm sẽ được mua một hộp thẻ bài pokemon, ăn thêm bát nữa sẽ được mua thêm một hộp. Nếu tự uống hết sữa không cần mẹ bón thì sẽ được thưởng một gói bimbim, hoặc cho mượn điện thoại iphone để chơi trò chơi… Cái gì cũng vậy, muốn bọn trẻ ngoan ngoãn, nghe lời thì chị sẽ đồng ý mua cho con những gì chúng thích, mặc kệ là đắt hay rẻ.
Một trường hợp chiều con không kém là chuyện của chị Hân (quê Hải Phòng). Hai vợ chồng chị mới chỉ có một cậu con trai đang học mẫu giáo. Dù công việc không ổn định, thu nhập chính của cả nhà do chồng là giáo viên tiểu học lo liệu. Nhưng cách chị "đầu tư" cho con khiến mọi người tròn mắt. Quần áo, giày dép, sữa, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm... cho con đều phải chọn loại đắt tiền. Thậm chí quần áo con dùng mùa trước đến mùa sau dù còn vừa thì chị vẫn “thanh lý” để sắm cái mới.
Chị quan niệm, thà mình nhịn ăn, nhịn mặc nhưng nhất định không để con thua kém bạn bè. Không chỉ thế, chị còn đặc biệt chiều con vô điều kiện. Con mè nheo không thích đi học, chị liền cho nghỉ. Đồ chơi là điện thoại của chị, nếu muốn gọi điện thoại chị cũng phải nhẹ nhàng “mượn” - nếu không cậu ấm sẽ lăn ra khóc lóc ăn vạ không ai dỗ được.
Chồng chị góp ý không nên chiều con đến sinh hư như thế nhưng chị không quan tâm. Thỉnh thoảng chồng quát mắng con thì chị liền mặt nặng mày nhẹ. Nên đến khi muốn rèn con vào khuôn khổ thì thằng bé lăn ra khóc vì không đúng ý.
Hàng xóm của tôi có cậu con trai lớn đã học đại học. Nhưng cậu chưa bao giờ nấu cho bố mẹ một bữa cơm nào, ăn xong cái là lảng đi chơi. Thậm chí cơm nước xong xuôi, dọn sẵn ra nhưng gọi mãi mà con cũng chẳng xuống ăn vì còn bận... ngủ nướng.
Câu chuyện này tuy buồn song cũng chưa bi thương như chuyện mà tôi được kể lại. Gia đình chị Ly (Hải Phòng) có hai con nhưng khi đứa lớn xa nhà đi học đại học thì đứa bé mới bắt đầu vào lớp 1 nên tất cả tình cảm yêu thương, chăm sóc hai vợ chồng chị đều dành hết cho con trai út ít. Không phải làm bất cứ việc gì ngoài việc học, không bao giờ bị bố mẹ la mắng dù phạm lỗi, nói gì bố mẹ cũng tin tưởng, muốn mua bất cứ thứ gì cũng được đáp ứng… cứ như vậy cậu lớn lên và không coi bố mẹ ra gì. Khi muốn biết con đi đâu, làm gì, học tập thế nào, anh chị liền nhận được câu trả lời: "Sao bố mẹ hỏi nhiều thế" - hoặc "biết rồi, khổ lắm nói mãi."
Con lên Hà Nội ôn thi đại học và ở cùng với người quen, chị không yên tâm, ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm nhưng cậu không muốn nói chuyện, cũng chẳng bao giờ chủ động gọi điện hỏi thăm bố mẹ một câu. Hôm cậu thi đại học, dù không khỏe nhưng chị vẫn bắt xe từ Hải Phòng lên xem con thi cử thế nào. Đáp lại sự quan tâm của mẹ là câu nói: Mẹ lên đây làm gì? Và bỏ luôn cả bữa ăn trưa cùng mẹ để đi chơi với bạn.
Vẫn biết chiều con là một phản xạ tự nhiên, một tình cảm tự nhiên trong tấm lòng thương con bao la của cha mẹ. Nhưng chiều con thế nào cho đúng, cho đủ và tốt cho con thì không phải cha mẹ nào cũng làm được. Bài viết gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn |
Quyên Đỗ