Trong những năm qua, nhiều địa phương tập trung hỗ trợ nguồn lực, vận động nhân dân chú trọng chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, cung cấp cho thị trường. Tại một số địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao.

{keywords}
Giống bò vàng

 

Hội chăn nuôi bò ở thôn Sòi

Tại thôn Sòi, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang đã hình thành Hội chăn nuôi bò và đi vào hoạt động được 5 năm.

Cùng thôn với anh Tuyến, anh Sáng tham gia Hội chăn nuôi bò cho biết, mọi người chăn nuôi bò rủ nhau tham gia Hội. Hoạt động của Hội rất đơn giản, các hộ trong Hội sẽ phân công nhau chăn bò, tùy số lượng bò của mỗi gia đình mà số ngày chăn nhiều  hay ít. Nếu hộ có 1 con sẽ chăn một ngày, hộ có 10 con sẽ đi chăn 10 ngày và cứ thế quay vòng lần lượt. Hộ nào có ít bò có khi một tháng mới phải đi chăn bò một lần. Thường cứ sáng sớm các hộ sẽ đưa bò đến nơi quy định giao cho hộ được phân công đi chăn, chiều tối người được phân công sẽ lùa bò về vị trí tập kết để giao trả bò cho các hộ còn lại.

Cứ luân phiên như vậy, nếu đến phiên gia đình nào chăn bò mà có việc bận thì có thể thương lượng với các hộ còn lại trong Hội để đổi lịch chăn bò. Đây là cách làm hay và độc đáo, giúp tiết kiệm được thời gian, nhân lực, mặt khác bò đi chăn theo đàn như vậy sẽ đua nhau gặm cỏ và nhanh lớn hơn so với chăn nuôi nông hộ. Mặt khác, tham gia vào Hội, các hộ còn được học tập kinh nghiệm lẫn nhau; công tác tiêm phòng cũng sẽ thuận lợi hơn, các hộ cùng nhau mua vắcxin và thuê cán bộ thú y tiêm cho đàn bò của cả Hội.

Với cách chăn nuôi bò “có một không hai” này, người dân thôn Sòi, xã Đồng Sơn đã được nhiều người tìm đến để học tập. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, bởi ngoài hiệu quả kinh tế mang lại nó còn có hiệu quả xã hội, gắn kết cộng đồng.

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở Tân Hưng

Tại xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên đang triển khai mô hình chăn nuôi bò vỗ béo với 26 hộ tham gia nuôi 130 con bò.

Đây là xã vùng bãi ven sông Hồng có nhiều hộ nuôi bò thịt vỗ béo thương phẩm với nhiều thuận lợi như: kinh nghiệm chăn nuôi từ lâu đời, có mối quan hệ trong việc mua bán bò, điều kiện tự nhiên thuận lợi về diện tích đất trồng cỏ, sẵn nguyên liệu để cung cấp nguồn thức ăn cho đàn bò.

Tham gia mô hình, nông dân được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên hỗ trợ 50% thức ăn hỗn hợp chuyên sử dụng vỗ béo bò thịt (135 kg/con), thuốc thú y, chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót.

Các hộ còn được tập huấn về kỹ thuật chọn bò đưa vào vỗ béo; thiết kế chuồng trại; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải của bò giảm thiểu mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ thuật trồng một số loại cỏ làm thức ăn cho trâu bò; sản xuất và chế biến một số loại thực ăn thô xanh và thức ăn tinh bột cho trâu bò...

Trong quá trình nuôi chỉ cần tiêm đầy đủ vaccine phòng các bệnh như: tụ huyết trùng và lở mồm long móng theo đúng lịch khuyến cáo từ ngành thú y. Về phòng và trị một số bệnh thường gặp ở trâu bò như trướng bụng, tiêu chảy thì bà con đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn từ ban đầu nên đàn bò luôn khỏe mạnh và không bị nhiễm bệnh.

Theo các hộ chăn nuôi, bò giống của các hộ tham gia mô hình chủ yếu là bò thịt lai BBB có tốc độ tăng trọng cao so với các giống bò thịt lai khác. Nguồn thức ăn tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn tự chế, giúp giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa, quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt không quá phức tạp, quản lý đơn giản, dễ làm, phù hợp với đa số các hộ chăn nuôi.

Đáng chú ý, do chất thải của bò được xử lý bằng chế phẩm sinh học vi sinh Emnia nên không còn mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh. Chuồng trại luôn trong trạng thái thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thường xuyên sạch sẽ; theo đó đàn bò không bị mắc bệnh và tránh được nhiều rủi ro.