{keywords}
 

Theo AP, số ca tử vong tăng cao trong ngày 25/3 đã nâng tổng số người thiệt mạng vì virus corona chủng mới ở Mỹ lên 1.050. Nhận thức được quy mô đe doạ từ đại dịch Covid-19, Thượng viện Mỹ cuối ngày hôm qua đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ USD nhằm trợ giúp cho hệ thống y tế, người lao động và các doanh nghiệp.

Trên toàn thế giới, số người chết vì virus corona chủng mới đã vượt quá con số 21.000, theo thống kê của trường đại học John Hopkins, Mỹ.

Ca nhiễm tăng kỷ lục ở Nhật, Malaysia

Nhật cũng vừa trải qua một ngày đầy lo âu khi số ca nhiễm virus trong ngày tăng kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát. Theo đó, đất nước Mặt trời mọc ghi nhận 98 ca nhiễm mới, hai ca tử vong trong ngày 25/3.

Chính phủ Nhật đã ban hành cảnh báo đi lại đối với toàn thế giới, kêu gọi người dân kiềm chế, không thực hiện các chuyến đi nước ngoài không cần thiết.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng yêu cầu thành lập lực lượng đặc nhiệm của chính phủ để đối phó với thảm hoạ. Tính đến sáng nay, số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật là 2.003, trong đó 712 trường hợp từ tàu du lịch Diamond Princess, 55 ca tử vong gồm cả 10 trường hợp từ tàu Diamond Princess.

Theo Reuters, Malaysia hôm 25/3 cũng chứng kiến số ca nhiễm virus trong ngày tăng cao chưa từng có, 235 trường hợp. Như vậy, tổng số ca nhiễm của nước này là 2.031 và số ca tử vong là 23.

{keywords}
 

An ninh lương thực thế giới lâm nguy

Lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu tăng cao khi 1/5 dân số thế giới hiện được đặt trong tình trạng phong toả vì đại dịch Covid-19 đã lan khắp 200 quốc gia và cướp đi sinh mạng của 21.000 người, theo Reuters.

Cảnh hốt hoảng mua sắm diễn ra ở hầu hết các quốc gia bị virus corona chủng mới tấn công và những kệ hàng siêu thị trống rỗng trở thành điều thường thấy.

Cùng với nỗi lo hàng hoá bị người tiêu dùng vơ vét, lo ngại cũng phát sinh từ việc một số chính phủ có thể hạn chế xuất khẩu lương thực để đảm bảo hàng hoá đủ dùng cho người dân trong nước trong khi chuỗi cung ứng đã bị đại dịch phá vỡ.

Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã bước vào tuần phong toả thứ ba. Điều này làm một số kênh hậu cần phải dừng lại.

Đại sứ Mỹ tại Anh đổ lỗi cho Trung Quốc

Trong một bài viết đăng trên tờ The Times số ra hôm nay (26/3), Đại sứ Mỹ tại Anh Woody Johnson cho rằng Trung Quốc đã làm thế giới gặp nguy hiểm khi che giấu thông tin về dịch Covid-19 và để virus lan ra ngoài biên giới nước này.

“Nếu Trung Quốc hành động đúng thời điểm, nhiều người dân của họ lẫn phần còn lại của thế giới có thể được cứu khỏi tác động nghiêm trọng của dịch bệnh”, đại sứ trên viết. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói, Bắc Kinh đáng ra nên hành động sớm hơn để cảnh báo thế giới về sự bùng phát của dịch bệnh tại nước này.

{keywords}
 

Các diễn biến nóng về Covid-19:

- Thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm nay (26/3) trở nên vắng vẻ hơn, do số lượng người và xe lưu thông trên đường đã giảm mạnh khi tình trạng khẩn cấp quốc gia bắt đầu có hiệu lực. Hệ thống tàu điện trên cao hầu như không có người vào giờ cao điểm sáng, các bến xe buýt cũng yên lặng.

- Bắt đầu từ hôm nay, Hàn Quốc áp dụng phong toả 14 ngày với mọi công dân nước này lẫn người nước ngoài có thị thực lưu trú dài hạn từ Mỹ trở về. Lệnh phong toả cũng áp dụng với những người từ châu Âu nhập cảnh nước này. Công dân Hàn Quốc có thể bị kiện và người nước ngoài có thể bị trục xuất nếu không tuân thủ lệnh trên.

- Pháp bắt đầu sơ tán các công dân nhiễm Covid-19 khỏi tâm dịch Alsace bằng một chuyến tàu y tế cao tốc đặc biệt. Bộ trưởng Y tế Pháp cho hay, đây là đoàn tàu kiểu này đầu tiên ở châu Âu.

- Số ca tử vong ở Thuỵ Điển tăng trong 24h qua buộc chính quyền nước này phải thay đổi cách kiềm chế virus vẫn còn khá lỏng lẻo. Giới chức y tế nước này thông báo có thêm 18 trường hợp tử vong kể từ ngày 25/3, nâng tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 lên 62.

Hoài Linh