Trung tâm mua sắm Sampoong ở Seoul, Hàn Quốc bất ngờ đổ sập vào ngày 29/6/1995, làm 502 người thiệt mạng và 937 người bị thương.
Đây là thảm kịch thời bình lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc và cũng là vụ sập cao ốc chết chóc nhất cho tới khi vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 xảy ra khiến tòa tháp đôi sập xuống.
Video mô tả vụ sập trung tâm thương mại:
Nguyên nhân gây ra vụ sập trung tâm mua sắm hạng sang này là do hàng loạt lỗi của các nhà thiết kế lẫn nhà thầu xây dựng, cũng như tính cẩu thả của chủ tòa nhà.
Tập đoàn Sampoong bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại Sampoong vào năm 1987 trên một mảnh đất trước kia là hố chôn rác. Theo thiết kế ban đầu, đây là một khu căn hộ có 4 tầng nhưng trong quá trình xây dựng nó được chuyển thành khu mua sắm lớn theo ý ông Lee Joon, vốn là chủ tịch tương lai của tòa nhà.
Quyết định này đã khiến hàng loạt cột trụ hỗ trợ bị cắt bỏ để nhường chỗ cho các cầu thang máy và một tầng thứ 5. Khi các nhà thầu đầu tiên từ chối thực hiện các thay đổi, ông Lee đã phớt lờ cảnh báo và sa thải họ rồi sử dụng chính công ty xây dựng của mình để hoàn tất công trình.
Ngoài ra, quan chức thuộc cơ quan kế hoạch Seoul cũng không được thông báo về các thay đổi, các thanh tra an toàn của chính phủ về các dự án xây dựng lại ăn hối lộ để che đậy việc sửa thiết kế. Các thanh tra này còn bỏ qua việc các nhà thầu của ông Lee sử dụng không đủ các thanh thép hỗ trợ, dùng bê tông thứ cấp để tiết kiệm tiền. Sau này, 12 thanh tra viên đã bị kết tội nhận hối lộ.
Tòa nhà được hoàn tất vào cuối những năm 1980 và trung tâm mua sắm Sampoong mở cửa vào 7/7/1990, thu hút khoảng 40.000 người tới đây mỗi ngày.
Trung tâm mua sắm này gồm cánh bắc và cánh nam, được nối với nhau bằng một mái vòm. Tòa nhà gồm 5 tầng, được dựng lên mà không có bộ khung thép, điều này có nghĩa là không có cách nào chuyển sức nặng cho khắp các tầng. Ngoài ra, có điểm sai sót là tất cả điều hòa đều được đặt tại tầng thứ 5. Mỗi chiếc điều hòa nặng 15 tấn.
Chỉ trong vòng 20 giây, cả tòa nhà đổ sập, chôn vùi hàng trăm người |
Ngày 27/6, một vụ rò rỉ khí xảy ra nhưng ông Lee từ chối đóng cửa trung tâm mua sắm. Hai ngày sau, trần nhà của tầng thứ 5 xuất hiện nhiều vết nứt, cho thấy có dấu hiệu về một vụ sập sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, biện pháp ngăn ngừa duy nhất được áp dụng là di chuyển các mặt hàng đắt tiền ở tầng trên xuống tầng hầm. Ban quản lý trung tâm mua sắm cũng không đóng cửa hoạt động hay đưa ra thông báo sơ tán nào, do số lượng khách hàng vào đây thường rất cao và họ không muốn sụt giảm doanh thu.
Khoảng 6h chiều ngày 29/6, khi hàng trăm người đang ăn tối tại khu vực ăn uống ở tầng hầm thì toàn bộ tầng phía trên sập xuống đầu họ. Trần nhà của tầng thứ 5 sập xuống và khiến các tầng phía dưới nó rơi xuống theo.
Ngọn lửa bốc lên khắp trung tâm mua sắm này, nhiên liệu từ các xe ô tô đỗ phía dưới cũng góp phần làm ngọn lửa hung dữ hơn. Mất vài ngày, ngọn lửa mới được dập tắt.
Các nỗ lực cứu hộ diễn ra suốt nhiều tuần và một điều ngạc nhiên đã xảy ra. Một người may mắn sống sót đã được đưa khỏi đống đổ nát sau 16 ngày tòa nhà bị sập. Phần lớn những người khác lại không được may mắn như vậy, hơn 500 người thiệt mạng trong thảm kịch này.
Có 25 người bị đưa ra xét xử vì các tội danh liên quan tới thảm kịch trên. Ông Lee Joon bị kết tội bất cẩn và lĩnh án 7,5 năm tù.
Hoài Linh
Ngày này năm xưa: Thế giới chấn động vụ khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ
Vụ tấn công khủng bố ngày 28/6/2016 nhằm vào sân bay Ataturk của thủ đô Istanbul đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà cả toàn thế giới.
Ngày này năm xưa: Cuộc nổi dậy đẫm máu trên chiến hạm Nga
Ngày 27/6/1905 ghi dấu cuộc nổi dậy đẫm máu của các thủy thủ trên chiến hạm Potemkin thuộc Hạm đội Hắc hải của Nga.
Ngày này năm xưa: Liên Xô rào kín Berlin
Chiến dịch phong tỏa Berlin của Liên Xô cách đây 70 năm là một trong những cuộc khủng hoảng quốc tế lớn đầu tiên của Chiến tranh Lạnh gây tổn thất nặng nề.
Ngày này năm xưa: Chiến tranh Triều Tiên bùng phát
Ngày 25/6/1950 đánh dấu sự bùng phát của cuộc chiến tranh Triều Tiên đẫm máu, kéo dài suốt 3 năm sau đó.