|
Ngay sau khi TAND tỉnh Hà Giang tuyên thả tại tòa đối với hai nữ sinh phạm tội “môi giới mại dâm” vụ án “hiệu trưởng mua dâm” và tuyên phạt các mức án 30 – 36 tháng tù treo đối với Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng, buổi chiều cùng ngày, gia đình hai em Thúy – Hằng đã đến trại giam của Công an tỉnh Hà Giang làm các thủ tục đón con về nhà.
|
Chụp ảnh với luật sư Trần Đình Triển. |
Thời gian thử thách đối với Hằng là 20 tháng; thời gian thử thách đối với Thúy là 18 tháng. Dẫu là khoảng thời gian không hề ngắn, nhưng, đó là điều hạnh phúc lớn lao đối với hai em, sau một thời gian dài bị giam giữ.
Ngay buổi tối đầu tiên khi được về đến nhà, bà con hàng xóm đã đến nhà Thúy chúc mừng ngày em trở về. Ai cũng đến ôm chầm lấy em, và an ủi Thúy có nghị lực, niềm tin và bản lĩnh để hướng tới cuộc sống tương lai.
Tối 10/3, thị trấn Việt Lâm nơi gia đình Thúy sinh sống bị mất điện. Dẫu vậy, cũng không làm giảm niềm hạnh phúc vỡ òa đến với gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ của Thúy cho biết: về đến nhà, cháu ôm chầm lấy hai em, thơm hai em và nước mắt rơi lã chã. Bữa cơm sum họp gia đình sau hơn 1,5 năm vắng Thúy, chẳng ai ăn được gì vì cô bé ríu rít nói chuyện liên tục, gần như không lúc nào ngớt…
|
Mẹ con Nguyễn Thị Hằng, phút gặp gỡ sau khi Hằng được trả tự do tại trại giam công an tỉnh Hà Giang. |
Em hỏi về tất cả, lần lượt từng người thân trong gia đình, họ hàng, hỏi về những đứa trẻ con hàng xóm, về hai em bé có biệt danh “xe lu” bây giờ có còn béo tròn béo quay như lần trước…?
Khi tất cả hàng xóm láng giềng đã ra về, lúc ấy mới là khoảng thời gian gia đình trò chuyện. Ông Ha, bố của Thúy là ngời kiệm lời, trầm ngâm ngồi hút thuốc lào vặt, và im lặng. Hai em gái út của Thúy, sau khi nô đùa với chị đã mệt lử, lăn ra ngủ lúc nào không hay. Chỉ còn lại hai mẹ con tâm sự.
Bà Thơm kể, cả đêm ấy bà không ngủ. Thúy cũng không ngủ. Bà Thơm bị bệnh đau đầu hơn một năm nay, vì suy nghĩ nhiều tới chuyện của con. Đêm ấy, lần đầu tiên bệnh đau đầu của bà đỡ đi, vì có bàn tay con gái bóp đầu cho mẹ cả đêm.
Thúy nói chuyện với mẹ về tất cả, chuyện ăn ở sinh hoạt những ngày trong trại, về nỗi lo lắng, sợ hãi thời gian đầu khi mới bị bắt vào trại giam, chuyện riêng tư, thầm kín của con gái mới lớn… Người mẹ tưởng như đã héo úa sau những bất hạnh đã xảy ra, bây giờ dường như trẻ lại.
|
Ngày đầu tiên tự do của Thuý tại nhà. |
Thúy tâm sự: cháu ngại ra đường, ngại nhìn thấy mọi người, ngại va chạm, ngại cả đến việc nghĩ về những chuyện đã trải qua. Trong đó, cháu có một anh bạn, anh ấy khuyên cháu: “Về nhà rồi, nhớ thường xuyên chạy ra ngoài hít thở khí trời, đừng có ru rú ở trong nhà. Mới 19 tuổi, đừng để mình cũ đi… Cháu sẽ nhớ lời của anh ấy và cố gắng thực hiện!”.
Nữ sinh vừa bước sang tuổi 18 (Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh năm 1992), trước kia là một học sinh xuất sắc. Những năm cấp 2, Thúy là “con chim đầu đàn” của Trường THCS thị trấn Việt Lâm cả trong học tập và trong công tác đoàn. Lên cấp 3, hai năm liên tiếp em là học sinh giỏi của Trường THPT Việt Lâm, được đi thi học sinh giỏi tỉnh…
|
Thuý vui mừng khi trở lại nhà. |
Thúy bảo mẹ: “Con sẽ ở nhà, không đi học nữa. Mẹ mở cho con một cái cửa hàng be bé, con sẽ buôn bán, sẽ nuôi gà, nuôi lợn phụ giúp bố mẹ, chăm sóc hai em…”.
Thương con, bà Thơm bảo, như thế cũng không được. “19 tuổi, cuộc sống phía trước còn rất dài. Những vấp ngã đầu đời, con sẽ phải đứng lên để đi tiếp chứ không bao giờ được phép bỏ cuộc!”.
Bà muốn Thúy tiếp tục trở lại con đường học tập
của mình, muốn con trở thành người có ích, giúp ích cho xã hội, cho nhiều người
chứ không phải chỉ biết lo cho cuộc sống của riêng mình…
Tôi ngồi trò chuyện cùng cô nữ sinh vừa trải qua một cuộc
thử thách rất dài… Trong câu chuyện, những hồn nhiên của một cô bé mới lớn vẫn
còn nguyên. Cháu rất hay cười, vẫn còn có những câu nói rất “xì-tin”, vẫn còn
ngu ngơ trước nhiều vấn đề trong cuộc sống, dẫu, chặng thử thách vừa qua cũng
khiến Thúy phải nghĩ ngợi rất nhiều.
Em hỏi: “Chú ơi, cháu có 30 tháng tù treo, như thế có nghĩa là cháu không được
phép đi đâu hả chú? Cháu chỉ được ở nhà hả chú? Nếu cháu muốn đi ra ngoài, xa
hơn, như lên Hà Nội chẳng hạn, cháu làm thế nào để được đi…?”.
Hay đại loại: “Chú lập cho cháu một cái nick nhé. Xong chú add nick của chú. Lúc
nào buồn và nhớ các chú phóng viên dưới Hà Nội, cháu sẽ nhắn tin cho các chú…”.
Thấy ấm lòng và thầm mong ước, những hy vọng, những dự định mà em ấp ủ, sẽ thành
sự thật. Và tôi tin, chắc chắn nó sẽ thành sự thật, bởi tôi nhận thấy một nghị
lực trong đôi mắt của cô thiếu nữ vừa trải qua cơn ác mộng đầu đời…