Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, của địa phương. Tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí giáo dục.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn được tăng cường đầu tư theo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên…

Ngành giáo dục và đào tạo tham mưu, tổ chức thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, đã đạt vượt cận dưới mục tiêu kế hoạch đến năm 2025 (75%); góp phần thực hiện tốt tiêu chí trường học trong các bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện. 

Chất lượng phổ cập giáo dục của tỉnh tiếp tục nâng cao. Nghệ An là tỉnh thứ 25 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận “Thành phố học tập toàn cầu”. Tỉnh có 21/21 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 21/21 đơn vị đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; 21/21 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3…

Chất lượng giáo dục toàn diện cũng được khẳng định. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông liên tục tăng so với các tỉnh. Năm 2024, Nghệ An đạt vị thứ 12/63 tỉnh, tăng 10 bậc so với năm 2023; đứng thứ 4 cả nước với 90 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023 - 2024.

Giáo dục
Trường THCS Thanh Lĩnh, Thanh Chương (Nghệ An).

Đến ngày 13/9/2024, toàn tỉnh có 320/411 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới, 101/411 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, 16/411 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và 6/20 huyện đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Để thực hiện tốt Tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Nghệ An sẽ triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng miền núi, đề án đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, kế hoạch chuyển đổi số ngành giáo dục, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đến năm 2030.

Tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các đơn vị. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đáp ứng tiêu chí mục tiêu xây dựng nông thôn mới…