Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, huyện Cao Phong (Hoà Bình) đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số trên địa bàn và đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để tập trung thực hiện. 

Theo ông Bùi Hoàng Huy, Phó trưởng Phòng Văn Hoá – Thể thao huyện Cao Phong, nhiệm vụ chuyển đổi số được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

Ảnh chụp Màn hình 2024 09 24 lúc 11.08.26.png
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Cao Phong được đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Để xây dựng chính quyền số, huyện tập trung phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số. Trong đó, hạ tầng viễn thông, Internet băng thông rộng đã phủ tới 100% trung tâm xã, thị trấn; 100% máy tính sử dụng mạng nội bộ (mạng LAN) và mạng Internet trong giải quyết công việc; 100% phòng, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn tiếp nhận văn bản đến và phát hành văn bản đi có ký số trên môi trường mạng. 

Toàn huyện có 8/12 điểm cầu truyền hình trực tuyến (cấp huyện 2 điểm cầu, cấp xã 6 điểm cầu). Hệ thống "Phòng họp không giấy tờ” thực hiện tại cuộc họp trực tuyến của UBND huyện thường kỳ hàng tháng.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện được đầu tư trang thiết bị hiện đại với hệ thống phần mềm giải quyết hồ sơ, từ tiếp nhận đến trả kết quả đảm bảo kịp thời, đúng quy định đối với công dân, tổ chức. 

Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm các dịch vụ: xác thực số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân; xác thực thông tin hộ gia đình và tra cứu thông tin công dân. 

Hạ tầng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II triển khai đến 9/10 xã, thị trấn. Kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng về công tác chuyển đổi số, cập nhật cơ sở dữ liệu cho đoàn viên, thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 

Thực hiện mô hình "Đội thanh niên tình nguyện - Hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến” tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. 

Trong 9 tháng 2024, toàn huyện Cao Phong đã tiếp nhận 10.118 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận trực tuyến 9.994 hồ sơ, đạt 98,8%; 7.314 hồ sơ thanh toán trực tuyến, đạt 84,9%; 1.536 hồ sơ trực tuyến toàn trình, đạt 15,28%.

Trong thời gian tới, huyện Cao Phong sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, tập trung đầu tư trang thiết bị, hệ thống hạ tầng thông tin đảm bảo triển khai hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới.