Lời tòa soạn 
 Phóng viên VietNamNet đã tìm hiểu ở những nơi được hỗ trợ chuồng trại, cấp bò giống tại xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), sơ bộ, sau hơn 2 năm thực hiện dự án, hiện đàn bò đã giảm 1/3, chủ yếu bị bán đi và chết vì bệnh, nhiều chuồng trại bỏ hoang, tháo tôn, thép bán với giá rẻ.

XEM CLIP: 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vy Mỹ Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc Ơ Đu về xây dựng chuồng và cung cấp bò giống đã khép lại vào năm 2020. Chính quyền các cấp từ xã, huyện và công an cũng đã vào cuộc tích cực cùng với người dân thực hiện dự án.

Xót xa khi người dân bán bò, dỡ chuồng

Trước thông tin PV VietNamNet cung cấp về thực trạng đàn bò nhận hỗ trợ từ dự án của đồng bào Ơ Đu bị chết, bán đi hơn 100 con, còn chuồng bò thì bị tháo dỡ, bán với giá rẻ, ông Sơn ngồi lặng im một lúc rồi thốt lên: “Rất xót xa”.

Ông Vy Mỹ Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nói rất xót xa khi người dân bán bò, dỡ chuồng. Ảnh: Quốc Huy

Trao đổi với PV, ông Sơn cung cấp thêm tài liệu về việc ký cam kết, giao nhận nuôi bò giữa chính quyền địa phương với từng hộ dân.

Cụ thể, khi nhận nuôi bò được cấp theo dự án hỗ trợ, người dân bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) ký cam kết không tự ý bán bò, không thả rông, không tự ý chuyển đổi sang trâu hoặc gia súc khác.

Ngoài ra, các hộ dân không được bán bò mẹ, chỉ bán bê con để phát triển duy trì đàn. Chỉ bán bò mẹ khi đẻ được 5-6 lứa trở lên.

Đối với ban quản lý bản (bí thư chi bộ, trưởng, phó bản…) phối hợp với UBND xã nắm chắc số lượng bò của từng hộ dân, quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng tự ý bán bò.

Bà Lương Lan, Trưởng bản Văng Môn cho biết, có nhiều hộ dân đã bán cả chuồng bò cùng nhiều thiết bị như hệ thống bạt cuốn, máy cắt thức ăn. Ảnh: Quốc Huy

Ông Vy Mỹ Sơn cũng thông tin, đời sống người dân tộc Ơ Đu còn khó khăn, rất khó để một hộ gia đình có thể mua được 2-3 con bò. Tuy nhiên, người dân chưa ý thức được sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước ở đề án này.

“Rất khó kiểm soát được việc bà con bán bò, bởi họ không thông báo tới ban quản lý. Có trường hợp bán bò lúc 4h sáng, ngay cả nguyên trưởng bản Lo Văn Quyền cũng bán bò. 

Thực sự bất ngờ, không nghĩ rằng người dân sẽ bán cả chuồng bò. Tôi rất xót xa khi thấy người dân bán chuồng, bán bò, để rồi đầu tư lớn nhưng hiệu quả mang lại quá thấp”, ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận.

Theo ông Sơn, trước mắt phải ngăn tình trạng bán bò hỗ trợ ra khỏi địa bàn, kiên quyết không để người dân tháo bỏ chuồng bò. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nâng cao ý thức cho người dân.

Lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại tổng thể dự án

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vy Mỹ Sơn bộc bạch: “Phương án xử lý tương đối khó, bà con dân bản ký cam kết về nhận nuôi và chuồng trại nhưng vẫn vi phạm. Việc người Ơ Đu bán bò, bán chuồng, giống như một thất bại của đề án. Tôi không nghĩ người dân lại bán bò, bán cả chuồng. Cảm ơn báo VietNamNet đã đi thực tế, cung cấp thông tin”.

Chuồng bò của nhà Lo Văn Khường từng có 4 con, giờ đã bị bỏ hoang. Ảnh: Quốc Huy

Cũng theo ông Sơn, giá trị chuồng bò còn lớn hơn chính cả ngôi nhà của người dân ở bản Văng Môn, xã Nga My. Giá trị lớn nhưng người dân không ý thức được để chăm sóc, bảo vệ đàn bò ở mỗi hộ từ 2-4 con.

Ngay đầu tuần tới, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp với UBND huyện Tương Dương thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại tổng thể dự án, từ đó đề xuất giải pháp, hướng xử lý. 

92 con bò bị bản bán ra khỏi bản

Theo thống kê mới nhất, trong số 304 con bò giống hỗ trợ 77 hộ dân, hiện đã có 25 con bị chết, 92 con bị bán ra khỏi địa bàn.

Trước đó, đề án phát triển kinh tế - xã hội cho người dân Ơ Đu giai đoạn 2016 – 2025 tại bản Văng Môn đã xây 67 chuồng trại cho 77 hộ dân với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, 77 hộ nêu trên cũng được hỗ trợ bò giống, mỗi hộ ở bản Văn Môn được cấp 4 con bò giống (có 4 hộ hỗ trợ 3 con). Giá trị mỗi con bò lúc cung ứng cho bà con nơi đây là 15 triệu đồng/con.