Tuyên truyền phòng, chống nạn mua bán người là hoạt động mang tính chiến lược của tỉnh Nghệ An trong Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Kịp thời làm rõ và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người. Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

{keywords}
Cửa khẩu Nậm Căn - Nghệ An. 

Giai đoạn mới, tỉnh sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội như Facebook, Zalo. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cần hạn chế tiếp xúc gần, việc tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người càng được đẩy mạnh. Các chương trình trực tuyến nhận được sự tham gia đông đảo của người dân. 

Với khu vực vùng cao, biên giới và vùng có nguy cơ, các ban ngành, tổ chức hội liên quan sẽ thường xuyên cử cán bộ, thành lập tổ tuyên truyền, xuống tận cơ sở giao lưu, gặp gỡ và tuyên truyền cho bà con các vấn đề về phòng, chống mua bán người: chiêu thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội; chủ động, khai báo, tố giác tội phạm… Quá trình thực hiện đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5k của Bộ Y tế.  

Hệ thống thông tin cơ sở, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa bàn. Lồng ghép các thông tin về quyền của nạn nhân, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, tiếp nhận thông tin dành cho nạn nhân vào các thông điệp, tin bài, chuyên mục và tài liệu truyền thông về phòng, chống mua bán người.

Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng. Đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 phù hợp với thực tiễn tình hình.

Lồng ghép và truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa tại các trường học. Xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông tại cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Tổ chức thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người tại cộng đồng dân cư.

Song song với công tác truyền thông, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người. Điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng. Thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Tăng cường quản lý biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do. Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, môi giới, tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập, du lịch... nhằm kịp thời phát hiện vụ việc mua bán người trong các lĩnh vực này...

Đức Yên