Trinh có 3 cô con gái, một đang học Đại học Ngoại Thương, một đang là nữ sinh của THPT Trần Phú. Cô út đang học lớp 9 tại một trường công cấp 2 khá nổi tiếng. Cả nhà đều nghĩ với sức học của cô bé, việc đỗ THPT Trần Phú như chị mình hoặc cố thêm tí vẫn có thể vào trường chuyên vì học bạ 4 năm THCS rất “đẹp”. Chưa kể tiếng Anh của cô bé rất tốt do được 2 bà chị kèm cặp. Việc đỗ chuyên Anh là trong tầm tay. Vậy mà năm nay cô bé khăng khăng đòi đi học nghề thay vì thi vào 10. Trinh lo lắng nói với tôi: “Cậu biết đấy, học nghề đồng nghĩa với không có bằng cấp 3 thì làm sao thi đại học? Tôi không biết phải khuyên con thế nào, cậu giúp tôi với”. 

Như Trinh, nhiều cha mẹ không muốn con học nghề khi mới 15 tuổi. Không đỗ trường công thì sang học trường tư hoặc giáo dục thường xuyên để có tấm bằng cấp 3 dù theo các văn bản của nhà nước, sau học nghề vẫn có thể học đại học hoặc các trình độ cao hơn mà chẳng mấy khó khăn. Chưa kể những năm gần đây, đỗ dễ hơn đỗ vào 10. Tâm lý con cái phải có bằng tốt nghiệp cấp 3 mới đảm bảo cuộc sống khiến nhiều cha mẹ tá hoả nếu con đòi đi theo con đường học đào tạo nghề, làm nghề sớm. Định kiến về việc con còn bé nghề ngỗng nỗi gì và coi học nghề là ra làm “thợ”, là “kém sang” khiến nhiều cha mẹ kiên quyết phản đối.

Nghề  1.jpg

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ đưa ra mục tiêu 25 - 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2030, con số này là 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Đó thực sự là định hướng đúng đắn. Nhưng lũ trẻ thì không được lựa chọn vì chúng mới 15 tuổi, “trẻ con biết gì đâu”.

Trường hợp con gái út của Trinh những năm gần đây đang ngày một nhiều. Khác với những đứa trẻ trượt vào 10 mới đi học nghề trước đây, những đứa trẻ bây giờ có học lực khá, giỏi nhưng vẫn muốn đi học nghề thay vì học văn hoá. Một làn sóng “học nhanh làm sớm” đã thực sự diễn ra khi mà lũ trẻ 15 tuổi đã tiếp cận thế giới rộng lớn thay vì bó hẹp trong nét vẽ của cha mẹ. Những đứa trẻ muốn có quyền tự quyết sớm hơn thế hệ trước. 

Con gái út của Trinh nói với tôi: “Cháu thích vẽ, thích thiết kế đồ hoạ. Cháu muốn đi làm, theo đuổi đam mê của mình thay vì mất 3 năm trường công rồi thêm 4 năm nữa đi học đại học. Trong khi vào Phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic, cháu chỉ mất 3 năm là đã thành thạo nghề, đi làm và tự kiếm tiền sớm từ tuổi 18 -19 chứ không như 2 chị. Nhà có 2 chị ấy là đủ rồi, cháu muốn có cuộc đời của cháu”. 

Cô bé còn cho tôi xem những gì cô bé đã tìm hiểu để chứng tỏ rằng đây là quyết định nghiên cứu kỹ chứ không phải nhất thời, cảm tính. 

“Chú xem, ở đây cháu được học những thứ mà trường cấp 3 không dạy như “kỹ năng nhận thức bản thân”, “trí tuệ cảm xúc”, “thuyết trình”, “khởi sự doanh nghiệp”…, bên cạnh chương trình học chuyên sâu cho nghề thiết kế đồ hoạ của cháu. Dù cháu biết, lên cấp 3 cũng có nhiều CLB hay ho, cháu đã nghe và thấy 2 chị rồi nên cháu biết chứ. Chỉ là cháu thích lựa chọn này vì cháu được phát triển bản thân. Với lại nếu thích học thì sau tốt nghiệp cháu vẫn có thể học liên thông lên Đại học cơ mà”. 

Trinh, bạn tôi cũng thừa nhận con gái út của mình là một cô bé cá tính, một khi đã quyết nó sẽ theo đuổi đến tận cùng. Cô bé suy nghĩ thấu đáo và đôi khi còn “già dặn” hơn 2 chị mình.

Nhưng tôi cũng hiểu nỗi lo của các phụ huynh truyền thống chúng tôi, thế hệ mà đứa nào không có bằng cấp 3 là “đồ bỏ”. Dù cùng ra nước ngoài học nhưng vẫn bị phân biệt đối xử giữa “du học” và “xuất khẩu lao động”. Lũ trẻ đi học trang điểm ở Hàn, học cơ khí ở Đức… đều bị coi là “xuất khẩu lao động” thay vì oai oách như học quản trị kinh doanh ở Singapore, học truyền thông ở Thái Lan. Có lẽ thế hệ gen Z, gen Alpha bây giờ không còn bị “biên giới” bởi ý chí của cha mẹ nữa. Thế giới của chúng không còn là những người bạn, sát nhà mà đã là toàn cầu, liên lục địa. Thêm tiếng Anh tốt khiến chúng xem, nghe, đọc những thứ chúng ta chưa từng xem, chưa từng nghe, chưa từng đọc.

Tôi nói với Trinh sau khi đã “bị” con gái út của cô thuyết phục. Rằng bọn trẻ bây giờ đã có thể ra quyết định. Một đứa trẻ biết ra quyết định là một đứa trẻ chất lượng. Ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó cũng là chỉ dấu của trưởng thành. Cha mẹ không thể nhốt giữ con trong vòng tay của mình được nữa. Đặc biệt là đừng nhốt giữ con trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình khi mà 80% những nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất trong tương lai. 

Trinh cũng như tôi đều là thế hệ nghĩ rằng đi làm ở cơ quan nhà nước là an toàn, vĩnh cửu. Như tôi, một cựu nhà báo cũng kỳ vọng một trong ba đứa con của mình trở thành nhà báo như bố. Nhưng rồi tất cả những toà soạn báo bố quen biết đều chẳng có nhu cầu tuyển “con của cựu nhà báo” cả. Cả những cơ quan nhà nước hiện tại, họ cũng cần tuyển người làm được việc thay vì người quen biết khi mà họ cũng chẳng còn được bao cấp bởi ngân sách nữa. 

Trở lại với quyết định của cô bé, tôi chỉ còn biết chúc mừng cô bé vì 15 tuổi đã lên được kế hoạch cuộc đời mình như thế. Đó thực sự là một dạng năng lực cần cha mẹ ghi nhận. Chúng ta muốn con trưởng thành và tự lập thay vì nhất nhất chờ mẹ, cha quyết định. Vậy tại sao chúng ta lại không ủng hộ, hỗ trợ con khi con tự ra quyết định và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định đó? 

Thế giới của con sẽ không giới hạn trong hiểu biết của chúng ta, chỉ những đứa trẻ biết thích ứng, biết ra quyết định, biết lên kế hoạch mới là đứa trẻ mạnh mẽ, độc lập. 

Tôi cũng chúc mừng Trinh, bạn tôi, khi cô đã nuôi dạy lên một đứa trẻ tuyệt vời. Tôi nói với Trinh rằng: “Thực ra không có trường tốt mà chỉ có ngôi trường phù hợp cho sự phát triển của con cậu thôi. Ngôi trường danh tiếng thế nào đi nữa mà con của cậu không hạnh phúc, không mơ được những giấc mơ của chính nó thì ngôi trường ấy chỉ là cái áo sĩ diện của cha mẹ, chỉ đẹp trên Facebook cha mẹ. Chúng ta chỉ có thể trở thành những người cha tốt, mẹ tốt khi con chúng ta tốt lên mỗi ngày chứ không phải vì chúng ta giống các cha mẹ tốt ngoài kia. 

Con của cậu học nhanh làm sớm chẳng phải tốt hơn là mai này cậu phải đi xin việc cho con bằng mối quan hệ của mình sao? Thật buồn nếu con chúng ta học 3 năm cấp 3 và 4 năm đại học rồi nhận ra thứ chúng học chỉ để vừa lòng cha mẹ”.

Cuối cùng, chúng ta vẫn hay hỏi nhau: Nghề chọn người hay người chọn nghề? Thế hệ của chúng ta phần đông vẫn là nghề chọn người trong khi thế hệ gen Z và gen Alpha hôm nay đã khác. Hãy mừng vì điều đó!

Hoàng Anh Tú