Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, nạn nhân là chị H.T.T. (27 tuổi, trú xã A Vao, huyện Đakrông).

Chị T. (giữa) được bàn giao cho gia đình sau gần 5 năm bị bán ra nước ngoài. 

Thông tin ban đầu cho biết, khoảng đầu năm 2019, chị T. từ quê Quảng Trị vào tỉnh Bình Dương để xin làm công nhân. Một người làm cùng công ty hứa hẹn đưa chị ra Hà Nội và sắp xếp cho việc bán áo quần với lương cao.

Chị T. đồng ý và bị các đối tượng đưa bán qua Trung Quốc.

Vừa qua, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Biên phòng Cao Bằng đã phát hiện trường hợp chị T. và tiến hành giải cứu, đưa nạn nhân từ Trung Quốc trở về Việt Nam.

Sau đó, lực lượng chức năng đã đề nghị Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ tiếp nhận và đưa nạn nhân về đoàn tụ cùng gia đình.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người lao động, trẻ thành niên bị kẻ xấu dụ dỗ sang Campuchia lao động, làm “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng thực chất đây là hoạt động bốc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản thậm chí bị đe dọa đến tính mạng và buộc gia đình nạn nhân phải nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về nước. Vì nhẹ dạ cả tin nên vẫn có nhiều người “sập bẫy”.

Phương thức thủ đoạn của đối tượng này thường hình thành đường dây phạm tội có tổ chức, thực hiện tại Việt Nam và Campuchia, được chia nhỏ từng khâu công việc khác nhau, những đối tượng dùng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram,...) đăng các bài quảng cáo, tuyển lựa lao động với nội dung cam kết “việc nhẹ, lương cao” hoặc làm quen, thông qua bạn bè, người quen để rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm vào có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi. Khi đăng ký xin việc thì các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo hướng dẫn, đón người hỗ trợ làm các giấy tờ, thủ tục xuất cảnh và đưa đến các cửa khẩu để xuất cảnh sang Campuchia hoặc thông qua các đường tiểu ngạch khác xuất cảnh trái phép. Sau khi các nạn nhân đã qua Campuchia, bị đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng. Trong quá trình làm việc, các nạn nhân được quản lý chặt chẽ, không được đi lại và dường như ngừng liên lạc với thế giới bên ngoài, bị cưỡng ép lao động từ 12 đến 16 tiếng/ngày. Nếu không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng thì nạn nhân sẽ bị nhốt, đánh đập, bỏ đói và yêu cầu gọi điện về cho gia đình nộp tiền “chuộc” từ 3000 đến 20.000 USD mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi hoặc bị bán cho công ty khác. Các đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người nước ngoài tại Campuchia, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt Nam hiện đang hoạt động tại Campuchia.

Điển hình như vụ việc xảy ra gần đây nhất ngày 10/4/2023, em H trú tại xã Đắk Cấm, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum có nhắn tin và gọi điện cho một đối tượng có tài khoản Facebook “HC” (không rõ nhân thân lai lịch), quá trình nhắn tin qua lại với nhau thì nảy sinh tình cảm. Đối tượng “HC” rủ H qua Campuchia làm việc trên máy tính với mức lương 16 triệu đồng/tháng, vì đối tượng “HC” đang ở Campuchia nên đã nhờ một đối tượng tên PH (không rõ nhân thân lai lịch) kết bạn qua Zalo với H và chỉ cách cho H, chỉ cần H vào thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ có người đón và đưa H qua Campuchia.

Đến ngày 16/4/2023, H đặt xe Minh Quốc đi thành phố Hồ Chí Minh để sang Campuchia thì bị Công an xã Đắk Cấm phối hợp cùng trinh sát Cảnh sát Hình sự - Công an thành phố giữ lại. Qua công tác xác minh xác định hai đối tượng “HC” và PH hiện đang ở Campuchia, Công an thành phố Kon Tum đã giao H cho gia đình quản lý, giáo dục và tiếp tục điều tra xác minh theo quy định của pháp luật.

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV