Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 420.000 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 35% dân số của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa.
Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nhà ở, đất đai, chuyển đổi ngành nghề hoặc cho bà con vay vốn phát triển sản xuất.
Đến nay, trên 4.500 hộ đã thực hiện chuyển đổi ngành nghề, 3.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 13km, vùng đất Châu Thành là nơi hội tụ, giao thoa hơn 10 nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Công tác phục hồi, bảo tồn và phát triển hoạt động của các làng nghề, ngành nghề truyền thống được huyện đặc biệt chú trọng.
Toàn huyện Châu Thành hiện có 1 làng nghề và 17 ngành nghề truyền thống hoạt động trải đều các xã, thị trấn. Trong đó, nghề làm bánh Pía, lạp xưởng, mè láo của người Hoa đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Thuận Hòa là xã duy nhất của huyện Châu Thành thuộc diện đặc biệt khó khăn suốt 12 năm qua. 69% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số trên 10.000 số dân toàn xã. Một số người Hoa trên địa bàn xã bắt đầu phát triển nghề làm bánh Pía, thành lập cơ sở sản xuất, tuyển thêm lao động. Từ đó bà con nông dân có thêm nghề mới có thu nhập ổn định hơn.
Hiện nay, huyện Châu Thành đã có 7 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao và 4 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Các sản phẩm được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử tỉnh và Postmart.vn.
Theo thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành, nghề làm bánh Pía thủ công truyền thống đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần hơn 1.400 lao động địa phương, với mức lương dao động từ 5 - 15 triệu đồng/lao động (tùy vào trình độ tay nghề). Đặc biệt, trong các dịp cao điểm lễ Tết, lực lượng lao động và nguồn nguyên vật liệu tăng thêm từ 1,5 - 2 lần so với bình thường.