Cuộc thi Diễn án hình sự “Chuyến tàu công lý - Ranh giới cuối cùng” được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho sinh viên ngành luật nói chung và Khoa Luật nói riêng có cơ hội làm quen với thủ tục, trình tự tiến hành tố tụng tại phiên tòa thông qua hình thức “Phiên tòa giả định” – hoạt động phổ biến của các trường luật ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Vũ Thị Lan Chi phát biểu trước khi bắt đầu phần diễn án

Vũ Thị Lan Chi - Chủ tịch CLB Diễn án Khoa Luật cho biết, khi tham gia tổ chức, Chi đã được trau dồi thêm rất nhiều kĩ năng như: kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; kỹ năng viết; kỹ năng trình bày vấn đề; đặc biệt kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa. 

"Em mong sẽ có các cuộc thi diễn án với quy mô lớn hơn nữa, đem lại sân chơi bổ ích nhất cho sinh viên ngành luật, cũng như giúp cho các học sinh mong muốn theo đuổi ngành nghề này thêm động lực" - Chi nói.

Phiên tòa giả định được xây dựng sát thực tế

Tại cuộc thi năm nay, tình huống giả định được các bản sinh viên xây dựng vô cùng sát với thực tế khi vụ án được xây dựng dựa tại một vùng quê nghèo, nơi mà những mâu thuẫn hàng ngày trong cuộc sống có thể trở thành một vụ án hình sự có liên quan tới rượu. Trải qua hơn 3 giờ đồng hồ tranh luận đầy sôi nổi theo đúng hình thức của một phiên tòa trong thực tế, đội thi trong vai các kiểm sát viên đã là người thắng cuộc.

Triển vọng nghề nghiệp cao nhưng nhiều thách thức

Là trưởng ban cố vấn của cuộc thi diễn án, Tiến sĩ Lê Lan Chi đã - Phó Chủ nhiệm phụ trách bộ môn Tư pháp Hình sự khoa Luật của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, cuộc thi diễn án và các phiên tòa giả định giúp các em hình thành được ý thức thức và đạo đức nghề nghiệp của những người sẽ hành nghề luật trong tương lai.

Tiến sĩ Lê Lan Chi chia sẻ về triển vọng của ngành Luật

Việc này vô cùng quan trọng bởi nghề luật vô cùng vinh quang nhưng cũng không kém phần thách thức, là ngành đặc thù có sức hút riêng biệt. Trong xã hội hiện đại, một cử nhân Luật có cơ hội trở thành một thẩm phán, một luật sư, một công tố viên hay thậm chí là các cơ hội ngoài nhà nước. 

Nhưng để trở thành một người theo nghề Luật có thể góp phần xây dựng đất nước, các sinh viên cần có sự đam mê, có ý thức đối với việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội, chính trực, bản lĩnh. Để có được tố chất đó cần trải qua một quá trình rèn luyện và học tập lâu dài, mà giảng đường đại học – nơi đào tạo cử nhân Luật chính là môi trường đặt những viên gạch đầu tiên để định hình những tố chất đó.

"Là cơ sở đào tạo lâu đời và uy tín ở Việt Nam, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội có đặc điểm riêng, thể hiện rõ định hướng nghiên cứu, khuyến khích tư duy khai phóng, sáng tạo, phản biện của sinh viên" - Tiến sĩ Lê Lan Chi cho biết.

Việt Dũng