Nghệ sĩ Hải Đăng (tên thật là Nguyễn Thế Liêm) sinh năm 1985 ở Nghệ An, còn được biết với tên Liêm "Gấu" vì thành danh từ xiếc gấu. Anh theo nghề năm 20 tuổi, là học trò của NSƯT Lê Hồng Lộc và học nghề từ một số nghệ sĩ xiếc ở Thái Lan, đến nay đã tròn 19 năm.
Trong buổi tập của Đoàn xiếc thú Hồng Lộc tại Trung tâm Văn hóa TP Thủ Đức (TP.HCM), "bạn diễn" của Hải Đăng tập là cá sấu Xiêm 10 năm tuổi dài 2,5m, nặng hơn 100kg. Nghệ sĩ dùng gậy, đôi khi là tay, chạm vào các vị trí ít nhạy cảm như mũi, răng và tay để truyền tải các tín hiệu đến con vật.
Từ đó "bạn diễn" sẽ phối hợp cùng anh thực hiện các tiết mục như bịt mắt lấy tiền, bịt mắt đưa tay qua miệng, gãi miệng, gãi răng, nằm lên người... Trong đó, tiết mục nguy hiểm nhất là cho đầu vào hàm cá sấu.
Đôi lúc, cô cá sấu có phản ứng đột ngột như bò nhanh về phía trước hoặc đổi hướng, Hải Đăng sẽ kéo đuôi để điều chỉnh vị trí của nó. Trái ngược với phản ứng của phóng viên, anh và người trợ diễn dửng dưng. Họ quen thuộc việc tiếp xúc cá sấu, biết cách tránh né đòn tấn công và giữ khoảng cách an toàn với nó.
Theo Hải Đăng, diễn cùng cá sấu đòi hỏi thể lực tốt và sự tập trung cao độ. Với diễn viên xiếc, việc gặp tai nạn với cá sấu "một lần và mãi mãi". Trường hợp nhẹ nhất là bị cắn gãy tay hoặc chân đã đủ để họ giã từ sân khấu. Khi thời tiết thay đổi, Hải Đăng thường cân nhắc không diễn các tiết mục nguy hiểm cao. Đến nay, anh và cô cá sấu đã đồng hành 8 năm.
Nghệ sĩ tiết lộ vui, cô cá sấu là "diễn viên" tốn kém nhất đoàn. Mỗi tuần, nó ăn 1-2 lần, mỗi lần 3-5kg thịt tươi, ước tính 500-700 nghìn đồng. Dù đi diễn hay không, như suốt mùa dịch Covid-19, đoàn vẫn cố gắng cho cá sấu ăn đầy đủ.
Sau cá sấu, "bạn diễn" của Hải Đăng là cặp trăn gấm đực và cái được đặt tên lần lượt là Đen và Vàng theo màu sắc của chúng. Đen dài 3m, nặng 28-30kg còn Vàng dài 2,6-2,7m, nặng 35kg, đều được mua tại trại trăn giống ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Xiếc trăn không có quá nhiều tiết mục, chỉ yếu là biểu diễn hình thể của người nghệ sĩ. Vì vậy nếu huấn luyện cá sấu mất đến 5 năm thì trăn chỉ cần 3-4 tháng có thể lên sàn diễn. Thời trẻ, Hải Đăng đủ khỏe để diễn với 3 con trăn, hiện tại chỉ "kham" nổi cặp Đen-Vàng này.
Giống cá sấu, trăn là động vật máu lạnh, ít bộc lộ tính cách như loài máu nóng. Loài này di chuyển nhanh, đổi lại mỗi lần tấn công đều co đầu lại, dễ nhận diện để tránh. Dù vậy, trăn cắn chỉ mất máu chứ không nguy hiểm. Hải Đăng thường bị cắn khi cho chúng ăn.
Hải Đăng từng gặp kỷ niệm nhớ đời với trăn. Khoảng năm 2015-2016 ở Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, khi hoàn thành tiết mục xiếc trăn, anh cúi chào khán giả. Vừa quay đi vài bước, nghệ sĩ bị 3 con trăn siết cùng lúc, lập tức đổ gục xuống sàn. Anh được 3-4 đồng nghiệp gỡ trăn ra khỏi người, sơ cứu kịp thời nhưng vẫn bất tỉnh vài phút do ngừng hô hấp đột ngột. 
Nghệ sĩ tin rằng do mình uống rượu bia vào đêm trước ngày diễn, trăn thấy mùi lạ nên hành xử bất bình thường. Sau sự cố, anh tránh tuyệt đối việc uống rượu bia trước ngày diễn. Hải Đăng nói thêm cá sấu, trăn... là động vật hoang dã, được huấn luyện bài bản cũng không thể hoàn toàn thuần tính.
Dù vậy với Hải Đăng, trăn hay cá sấu đều là bạn diễn của mình. Muốn biểu diễn cùng động vật, người nghệ sĩ phải rất hiểu tập tính, tính cách của từng con. 
Chẳng hạn, đoàn xiếc có người phụ trách chăm sóc động vật nhưng các nghệ sĩ thường tự mình cho ăn, tắm rửa, tỉa lông... cho chúng. Việc giao lưu, tương tác đời thường giúp các con vật thân thiết và nghe lời họ hơn. Ngoài cá sấu và trăn, Hải Đăng còn phụ trách đàn chó 6 con gồm các giống poodle, đốm, husky, Tây Ban Nha, Nhật Bản...
Chú poodle này theo Hải Đăng khoảng 12-13 năm từ khi còn bé. Nó thường bị bệnh vặt do lớn tuổi nhưng khi biểu diễn vẫn đảm bảo độ linh hoạt. Theo anh, diễn xiếc với chó, mèo, dê, khỉ... nhẹ nhàng, an toàn, được nhiều nghệ sĩ xiếc chọn lựa. Hải Đăng thường diễn tiết mục lớp học với 6 chú chó của mình.
Hải Đăng kiên trì theo nghề 19 năm trong khi nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa hoặc thế hệ sau đều đã bỏ nghề, nhất là sau giai đoạn dịch Covid-19. "Nghệ sĩ xiếc rày đây mai đó rất khó để nói tốt hay không. Chẳng qua, tôi đam mê nghề nên luôn thấy vui vẻ. Đến nay, tôi xem như cái nghiệp đã vận vào người mình rồi", nghệ sĩ nói.
Hậu vận của nghệ sĩ xiếc thú

Trước đây Đoàn xiếc thú Hồng Lộc thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hiện tại là đoàn xã hội hóa. Gặp Hải Đăng hồi năm 2019, anh từng than "lương Nhà nước thấp, mỗi tháng làm cật lực lĩnh 5-6 triệu đồng".

Sau giai đoạn dịch Covid-19, khó khăn với những nghệ sĩ xiếc càng chồng chất. Đoàn xiếc thú Hồng Lộc nỗ lực bám trụ bằng việc tìm kiếm nhân sự, kinh doanh... để duy trì hoạt động.

Hải Đăng kể đoàn tăng cát-sê mỗi đêm diễn cho các nghệ sĩ gắn bó nhiều năm nhằm ghi nhận công sức đóng góp của họ. Cộng với lương cứng hằng tháng, cuộc sống của anh không đến nỗi bấp bênh.  

Tuổi U40, Hải Đăng không đủ khỏe để thực hiện các tiết mục khó, bào sức như xưa nhưng không quá lo lắng hậu vận. Mỗi đoàn xiếc đều có những vị trí không liên quan việc biểu diễn như người đào tạo, quản lý... 

Theo nghệ sĩ, hiện không có cơ sở đào tạo diễn viên xiếc thú tại Việt Nam, chủ yếu do người đi trước truyền nghề lại người đi sau. Với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, Hải Đăng không sợ thất nghiệp.

Thậm chí nếu không làm việc trong đoàn xiếc, anh vẫn có thể theo đuổi một nghề "hot" hiện nay là huấn luyện chó. 

Đón đọc bài 2: NSND Tống Toàn Thắng 4 lần suýt chết khi diễn với trăn